Theo đó, trong năm 2024 tổng nguồn thu dự kiến tiền DVMTR Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhận ủy thác từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các đơn vị sử dụng DVMTR nội tỉnh khoản hơn 39,3 tỷ đồng; trong đó, nguồn thu ủy thác chủ yếu từ các nhà máy sản xuất thủy điện. Tổng nguồn thu này được xây dựng trên cơ sở kế hoạch nộp tiền của các đơn vị sử dụng dịch vụ dịch vụ môi trường rừng nội tỉnh cũng như thông báo điều phối tiền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam năm 2024.
Về kế hoạch chi tiền dịch vụ môi trường rừng, đối tượng chi gồm: các tổ chức và cá nhân được giao, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Trong năm 2024, tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh dự kiến là 54.508,73 ha với tổng số tiền chi trả hơn 33,4 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng cho 11 đơn vị chủ rừng.
Để thực hiện chi trả tiền DVMTR theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã xác định lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo từng đơn vị sử dụng, trên cơ sở đó xác định được diện tích cung ứng DVMTR của mỗi đơn vị chủ rừng theo từng đơn vị sử dụng. Từ số tiền DVMTR thu được theo từng đơn vị sử dụng trong năm và diện tích rừng cung ứng DVMTR của mỗi đơn vị chủ rừng trong lưu vực thì xác định được đơn giá cho 01 ha rừng cung ứng DVMTR.
Theo đó, đơn giá chi trả bình quân giữa các lưu vực trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch do có đơn vị chủ rừng có diện tích rừng thuộc lưu vực nhiều sông nên số tiền DVMTR được hưởng sẽ cao hơn. Vì vậy, mức chi trả chưa điều tiết năm 2024 theo lưu vực thấp nhất là 92.117 đồng/ha/năm (Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ) cao nhất là 1.071.626 đồng/ha/năm (Ban QLRPH Lộc Ninh, Ban QLRPH Tà Thiết và Công ty CP SX XD TM và Nông nghiệp Hải Vương).
Để điều chỉnh số tiền ở những lưu vực có đơn giá quá thấp và những lưu vực có đơn giá quá cao, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thực hiện điều tiết cho các đơn vị chủ rừng theo phụ lục VII Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, kết quả sau khi điều tiết đơn giá chi trả bình quân 01 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2024 thấp nhất là 455.415 đồng/ha (Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Nam Bộ) cao nhất là 980.058 đồng/ha (Ban QLRPH Lộc Ninh; Ban QLRPH Tà Thiết; Công ty CP SX XD TM và Nông nghiệp Hải Vương). Việc thực hiện điều tiết nhằm đảm bảo hài hoà được lợi ích của các đơn vị chủ rừng.
Sau khi kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2024 được phê duyệt, trong thời gian tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ hướng dẫn các chủ rừng xây dựng kế hoạch thu, chi và tiến hành tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng kịp thời theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong công tác chi trả DVMTR, tiến đến mục tiêu xã hội hóa nghề rừng và phát triển tài nguyên rừng của tỉnh.