mừng lễ 2-9

Tái canh vườn điều là cần thiết nhằm phát triển điều bền vững

Thứ tư - 07/08/2024 03:43 9 0
Cây điều là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh và ngành hàng điều từ lâu đã trở thành ngành hàng mũi nhọn xuất khẩu. Với tổng diện tích là 149.647ha, Bình Phước được xem là thủ phủ cây điều của cả nước. Hiện nay cây điều chiếm hơn 30% tổng diện tích cây nông nghiệp lâu năm và chiếm 33% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, năng suất bình quân giai đoạn 2020-2023 đạt 1,27 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 200.000 tấn.
Niên vụ điều 2023-2024, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 10,5 tạ/ha, sản lượng đạt 153.113 tấn. Năng suất cao nhất là huyện Bù Gia Mập đạt 13 tạ/ha, thấp nhất là thị xã Chơn Thành đạt 0,8 tạ/ha. Sản xuất điều tập trung chủ yếu tại 4 huyện: gồm Bù Đăng (khoảng 59.200 ha), Bù Gia Mập (khoảng 32.600 ha), Phú Riềng (khoảng 23.600 ha), Đồng Phú (hơn 16.000 ha). Trong đó, khu vực sản xuất điều cho năng suất bình quân cao đạt từ 1,8 tấn/ha có khoảng 50.000 ha tập trung tại các: Bom Bo, Minh Hưng (huyện Bù Đăng); Bình Thắng (Bù Gia Mập); Phú Trung (huyện Phú Riềng). Khu vực điều sản xuất quảng canh trên diện tích không thích hợp năng suất không cao, bình quân dưới 0,6 tấn/ha.
Về tái canh, cải tạo vườn điều già cỗi.
- Độ tuổi của cây điều: Trong 149.647ha điều, có khoảng 40.400 ha điều có độ tuổi nhỏ hơn 15 tuổi; có khoảng 109.247 ha điều trên 15 năm tuổi, trong đó, có 25.439ha điều trên 25 năm tuổi. Diện tích sản xuất điều của các hộ Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50 ngàn ha.
- Tái canh, trồng mới: Tính đến thời điểm hiện tại, trên toản tỉnh đã thực hiện tái canh, trồng mới bằng các giống điều năng suất cao khoảng 36.000 ha, gồm các giống: PN1 hơn 20.000 ha; các giống: AB 0508, AB 29; 06 giống địa phương: BP 18, BP 27, BP 43, BP 68, BP 89, BP 102 hơn 15.000 ha, trong đó, từ năm 2020 – 2023, công tác hỗ trợ giống mới từ nguồn ngân sách tỉnh là 477.175 cây, tương ứng với 2.350 ha, cho đối tượng ưu tiên là các hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Bù Đăng 820 ha, Bù Gia Mập 709 ha, Phú Riềng 396 ha và Đồng Phú 325 ha. Năm 2024, dự kiến trên toàn tỉnh thực hiện tái canh, trồng mới khoảng 2.000 ha, trong đó, chương trình hỗ trợ giống từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 100 ngàn cây điều giống, tương ứng khoảng 500ha, cho các đối tượng là các hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách.
4. Về giống điều.
Hiện nay, Ngành Nông nghiệp đang tích cực tuyên truyền, phổ biến, khuyến cáo đến người dân trong tỉnh những giống điều năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương đã được các cơ quan chuyên môn công nhận để đưa vào thực hiện tái canh, trồng mới nhằm thay thế các giống điều cũ năng suất thấp, cụ thể như 03 giống PN1 AB 0508, AB 29 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận; 06 giống địa phương gồm BP 18, BP 27, BP 43, BP 68, BP 89, BP 102 đã được ngành Nông nghiệp tỉnh bình tuyển và công nhận, phấn đấu đến năm 2030 diện tích tái canh, trồng mới bằng các giống điều năng suất cao đạt 50.000 ha. Trong thời gian tới, để công tác phát triển giống được nhân rộng, Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích các cơ sở giống, người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện quy định của Luật Trồng trọt 2018 về việc tự công bố giống cây trồng mới, trong đó có cây điều.
5. Thực trạng về mật độ trồng điều.
Qua kết quả điều tra thực trạng trồng điều trên địa bàn tỉnh cho thấy: Hầu hết các vườn Điều trên địa bàn tỉnh chưa có quy trình thống nhất về mật độ trồng nên các hộ nông dân trồng Điều với các mật độ khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là 2 kiểu mật độ gồm: kiểu mật độ 6 x 8 m (27,84%), kiểu này phù hợp với những vườn Điều trồng mới; kiểu 10 x 10 m, phù hợp với những vườn Điều trồng lâu năm, đã được tỉa thưa. Với mật độ trồng phức tạp như hiện nay, sẽ rất khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch điều. Do đó, thời gian tới cần tiến hành cải tạo những vườn Điều trồng quá thưa hoặc quá dày để vừa tiết kiệm đất vừa bảo đảm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây Điều.
6. Thực trạng về thâm canh điều.
Việc chăm sóc thâm canh vườn điều cũng như đầu tư còn rất hạn chế, đặc biệt là diện tích điều của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo,... chủ yếu là dựa vào điều kiện tự nhiên, ít được thâm canh như các cây trồng khác. Ngay cả các hộ đã chuyển sang trồng điều ghép thì việc chăm sóc, thâm canh quy trình cũng chưa đạt theo yêu cầu.
Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất điều chưa được ứng dụng đại trà, có rất ít người dân thực hiện bón phân đợt 2 cho cây điều, việc phòng trừ sâu bệnh hại ở giai đoạn ra hoa, đậu quả cũng không đảm bảo về theo quy trình, đa số chỉ phun xịt từ 1-2 lần/ vụ điều, thậm chí nhiều hộ không phun xịt. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ khác như vệ sinh vườn sau thu hoạch, bón phân 2 lần/năm, thăm vườn thường xuyên để phòng trừ sâu, bệnh hại và trồng xen để tăng hiệu quả kinh tế gần như chưa được quan tâm.
7. Về quản lý dịch bệnh.
Cây Điều thường bị các loại sâu hại như: Bọ xít muỗi,   Bọ đục chồi, Bọ trĩ, Sâu đục thân, đục cành gây hại. Các loại bệnh phổ biến như: Bệnh Thán thư, bệnh Xì mủ thân, bệnh Nấm hồng.
Công tác quản lý dịch bệnh trên cây Điều được cơ quan chuyên môn (Chi cục Trồng trọt- BVTV tỉnh) theo dõi, hướng dẫn biện pháp phòng trị thông qua công tác dự tính, dự báo hàng tuần. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TDVNN) tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân sản xuất hiệu quả.
8. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho vườn điều.
Hàng năm Ngành Nông nghiệp đã triển khai qua nhiều hình thức để khuyến cáo bà con tập trung chăm sóc vườn điều theo quy trình trồng thay thế và thâm canh điều của Bộ Nông nghiệp & PTNT, cụ thể: Thực hiện tỉa cành, tạo tán 02 đợt chính trong năm (đợt 1 tập trung tỉa ngay sau thu hoạch, đợt 02 tỉa những cành còn sót lại trước khi điều ra cơi chồi hoa). Bón phân cân đối chia thành 02 đợt đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, đảm bảo điều đủ dinh dưỡng để đón vụ với. Trước thu hoạch dọn dẹp vườn khuyến khích các biện pháp thủ công hạn chế việc sử dụng thuốc cỏ gây mất cân đối tầng vi sinh vật trong đất. Xử lý dịch hại tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao như sâu đục thân, đục cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư...
Khuyến khích trình diễn các mô hình sản xuất thâm canh điều hiệu quả: Từ năm 2021 – 2023, Sở Nông nghiệp & PTNT (giao TTDVN tỉnh) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây Điều thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất thâm canh điều bền vững” tại xã Long Hưng huyện Phú Riềng với quy mô 05 ha/ 05 hộ. Qua 03 năm thực hiện Dự án, năng suất trung bình của các hộ tham gia xây dựng mô hình đạt 17 tạ/ha, trong khi đó, các hộ không tham gia dự án chỉ đạt 12 tạ - 14 tạ/ha. Qua đó cho thấy, dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất thâm canh điều bền vững” đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng điều. Ngoài ra, so với mô hình sản xuất điều tại địa phương thì nông dân tham gia Dự án được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kiến thức về sản xuất thâm canh điều bền vững, từ đó nâng cao sự hiểu biết trong việc chăm sóc thâm canh điều nhằm mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.

 
Tác giả bài viết: Võ Lan Hương
Nguồn tin: Chi cục TT và Bảo vệ thực vật:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay12,396
  • Tháng hiện tại119,051
  • Tổng lượt truy cập5,896,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây