Biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi heo

Chủ nhật - 21/05/2023 22:45 1.055 0
Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), an toàn dịch bệnh (ATDB) là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng. Bởi vì đây là biện pháp ít tốn kém và rẻ tiền nhất so với chống dịch, giữ cho gia súc gia cầm khỏe mạnh và có năng suất cao, giảm chi phí thuốc thú y, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm gia súc gia cầm đảm bảo chất lượng. Sau đây xin giới thiệu các nội dung của: Biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học trong chăn nuôi heo đề người chăn nuôi hiểu rõ và áp dụng trong quá trình chăn nuôi.
1. ATSH trong chăn nuôi là gì?
An toàn sinh học trong chăn nuôi là việc thực hiện tổng hợp tất cả các biện pháp (kỹ thuật, quản lý) nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh (không cho mầm bệnh thâm nhập vào trang trại chưa nhiễm bệnh).
Để thực hiện được điều này, người chăn nuôi cần phải chấp thuận hàng loạt sự thay đổi về thái độ và hành vi của mình để giảm nguy cơ lây nhiễm trong tất cả các hoạt động liên quan đến chăn nuôi và các sản phẩm của chúng. Các biện pháp an toàn dịch bệnh cần được coi là một phần công việc hàng ngày của người chăn nuôi.
2. Ba yếu tố cơ bản trong chăn nuôi ATSH:
2.1. Cách ly: Cách ly có nghĩa là tạo nên những khoảng cách và hàng rào để không có con gì hay vật gì được phép vào ra khu vực chăn nuôi trừ khi cần thiết. Nếu mầm bệnh không thâm nhập được vào chuồng nuôi thì không thể xảy ra sự lây nhiễm.
2.2.Vệ sinh: Có nghĩa là bất kỳ vật dụng nào đi qua hàng rào ngăn cách (cả ra và vào) đều phải được vệ sinh, làm sạch cẩn thận. Rửa sạch có thể loại bỏ 90% sự nhiễm bẩn.
2.3.Khử trùng: Là việc dùng các hóa chất sát trùng với nồng độ đảm bảo để tiêu diệt mầm bệnh. Khử trùng có hiệu quả sau khi rửa sạch có thể loại bỏ 10% còn lại.
Chăn nuôi heo an toàn sinh học giúp hạn chế bệnh và nâng cao năng suất cho người chăn nuôi
3. Giải pháp ATSH trong chăn nuôi heo (giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho heo).
3.1. Chuồng trại:
- Có khoảng cách giữa các chuồng, xa khu dân cư, có cổng, hàng rào để ngăn ngừa người lạ, gia súc, heo không ra vào trại. Có chuồng nuôi cách ly heo mới mua về, heo bệnh, có nơi chứa chất thải, nước thải, có vùng đệm.
- Chuồng trại xây dựng đúng kỹ thuật, khô ráo, sạch sẽ,  thoáng mát, có hố sát trùng, hệ thống thoát nước tốt. Có nơi rửa tay, rửa dụng cụ, nơi để bảo hộ lao động. Có bạt che, quạt thông gió, ánh sáng.
3.2. Heo và các sản phẩm heo:
- Mua heo có nguồn gốc rõ ràng, các sản phẩm từ heo đã được kiểm dịch không có các bệnh do virut và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Heo giống cần được tiêm phòng đầy đủ, không chở heo khoẻ chung với heo bệnh.
- Không chở heo đi qua vùng dịch, nuôi cách ly 2 tuần mới nhập đàn, không vứt xác heo chết ra ngoài môi trường, có trang thiết bị cho vệ sinh và tiêu hủy heo chết.
3.3. Chất độn chuồng và chất thải:
- Vệ sinh quét dọn hàng ngày, chất độn chuồng khô, sạch và thay mới sau mỗi lứa nuôi. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lứa mới, định kỳ sát trùng tiêu độc chuồng nuôi và môi trường xung quanh.
- Môi trường xung quanh chuồng nuôi cần sạch sẽ, không có rác thải. Thường xuyên thu gom xử lý chất thải, chất độn chuồng, dọn cỏ và thay rửa đường ống thoát nước.
3.4. Thức ăn, nước uống:
- Không dùng thức ăn thừa của đàn heo trước, sử dụng thức ăn mới, không bị ẩm mốc, không quá hạn sử dụng, không bị nhiễm bẩn, đảm bảo chất lượng.
- Sử dụng nước giếng đào, giếng khoan cho heo uống, không cho uống nước bẩn, phèn, mặn ở kênh, rạch, sông, không để heo thiếu nước uống.
3.5. Xe cộ, trang thiết bị chăn nuôi, máy móc:
- Dụng cụ cho ăn, uống cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, heo bệnh, mới nhập về sử dụng dụng cụ riêng. Các thiết bị dụng cụ phải vệ sinh sát trùng trước khi đưa vào trại.
- Không cho xe chở hàng hóa vào khu vực chăn nuôi, vệ sinh sát trùng phương tiện khi ra vào trại.
3.6. Con người (Công nhân, thú y viên, khách ra vào...):
- Người chăn nuôi không nên đến các trại khác, hoặc đi chợ heo sống, không đi vào vùng/trại heo bị bệnh, không tiếp xúc với heo bị bệnh. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng sau khi bắt heo, tiếp xúc với các chất thải, sau khi dọn rửa các trang thiết bị chăn nuôi, không uống, ăn hoặc hút thuốc trong khi bắt heo, người chăn nuôi không tiếp khách trong chuồng nuôi.
- Có vòi nước và xà phòng để rửa tay trước và sau khi vào khu vực chăn nuôi.
- Khách tham quan không nên đi vào chuồng nuôi.
3.7. Quần áo giày dép bảo hộ:
- Người chăn nuôi cần thay giày dép, quần áo bảo hộ trước khi vào khu chăn nuôi
- Người chăn nuôi và khách tham quan cần đi qua hố sát trùng trước khi vào trại
3.8. Vật nuôi khác và chim thú hoang: Trại cần có hàng rào và cổng luôn đóng để ngăn vật nuôi khác và chim thú hoang ra vào trại.
3.9. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Cho ăn uống đầy đủ, đúng khẩu phần, đủ dinh dưỡng phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của heo, đảm bảo mật độ nuôi không quá cao.
- Đảm bảo trong chuồng khô, thoáng, mát, sạch, chỉ nuôi 1 lứa tuổi trong cùng một chuồng, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng khi thời tiết thay đổi.
3.10. Các biện pháp vệ sinh thú y phòng bệnh:
- Có đủ trang thiết bị cho bảo quản vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng, dụng cụ tiêm phòng. Thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh, tiêm đủ liều, đúng lịch, đúng kỹ thuật. Dụng cụ thú y cần được rửa và sát trùng ngay sau khi sử dụng.
- Bảo quản vaccine đúng yêu cầu kỹ thuật, ghi chép tình trạng sức khỏe đàn heo. Liên hệ ngay với cán bộ thú y để tư vấn về chuyên môn và thực hiện các biện pháp cần thiết khi có heo bị bệnh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hạnh
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây