Biện pháp phòng trừ sâu đục thân, cành gây hại trên cây điều

Thứ tư - 26/10/2022 21:25 6.553 0
Sâu đục thân, cành là đối tượng hết sức nguy hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển làm giảm năng suất, sản lượng và thậm chí có thể gây chết cây, gián tiếp tác động đến kinh tế của người nông dân. Vì vậy, để quản lý được loại sâu này bà con nông dân cần nắm rõ được đặc điểm hình thái, triệu chứng, mức độ gây hại trên cây điều.
1. Sâu đục thân gốc là xén tóc, thành trùng cái đẻ trứng vào các vết nứt trên vỏ cây, cách thân khoảng 1,5m trở xuống, sau đó sâu non ăn phần vỏ mềm tiếp xúc với phần gỗ, khi sâu tuổi lớn đục sâu vào bên trong tạo thành những đường hầm ngoằn ngoèo, nơi vết đục thấy phân và mạt cưa đùn ra ngoài, khi sâu đục tròn một vòng quanh thân. Khi đó mạch dẫn nhựa bị cắt đứt làm cây khô và chết dần. Sâu gây hại tập trung vào tháng 5 đến tháng 12 trong năm.
- Sâu đục cành: là loại xén tóc màu đen, có lốm đốm bông ở mặt lưng, kích thước khoảng 3 - 3,5 cm, con cái đẻ trứng ở vỏ cây, thường ở các nơi phân cành. Sâu non nở ra đục vào cành làm tắc mạch dẫn nên dần dần cành bị khô, sâu thường tiết tơ kết dính phân và miếng vụn của cây tạo những dây dài.
Sâu đục thân trưởng thành
2. Biện pháp phòng trị: Do sâu đục thân đục sâu vào bên trong thân, cành trên cao nên dùng thuốc rất tốn kém lại ít hiệu quả nên cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm và phòng trị kịp lúc. Cần áp dụng các biện pháp tổng hợp như:
+ Tỉa cành, tạo tán: Tỉa bớt các cành trong tán, cành vô hiệu, cành sát mặt đất, cành khô giúp cây được thông thoáng, tỉa cành 2 lần/năm, lần đầu sau thu hoạch: Tháng 4, bón phân đợt 1, lần 2: Khoảng tháng 9, bón phân đợt 2. Cành sau khi tỉa, thu gom và tiêu hủy để trừ sâu non hay nhộng còn bên trong.
+ Dùng bẫy đèn để bắt con trưởng thành để hạn chế đẻ trứng, bẫy đặt vào khoảng tháng 4 - 5, thời gian thắp sáng từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Sâu đục cành gây hại cành điều.
+ Quét vôi hoặc quét dung dịch Bordeaux vào gốc hoặc trộn thuốc trừ sâu có khả năng tiếp xúc, vị độc, xông hơi (các loại thuốc BVTV có hoạt chất được khuyến cáo sử dụng trên cây điều, có trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam) pha với bùn nhão theo tỷ lệ 1:4 quét lên gốc cách mặt đất 1,5m để ngăn ngừa sâu đến đẻ trứng vào gốc.
+ Khi phát hiện lỗ đục có phân đùn ra, dùng dao sắc đẻo lớp vỏ cây theo đường sâu đục để bắt sâu non, sau đó quét dung dịch Bordeaux lên vết thương để ngăn nấm bệnh phát triển.
+ Nếu sâu đã đục sâu vào bên trong, dùng dây kẽm moi theo đường sâu đục rồi dùng ống tiêm bơm trực tiếp thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn hay xông hơi mạnh vào trong miệng lỗ, sau đó dùng đất sét bít miệng lỗ lại.
Tác giả bài viết: Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây