Kỷ niệm 07.5

Nông nghiệp bứt tốc hội nhập

Thứ hai - 17/07/2023 21:48 128 0
“Nông dân là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp hiện đại, sinh thái, thích ứng với điều kiện tự nhiên. Nông thôn phát triển toàn diện gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực bằng mọi cách để giúp người dân, hợp tác xã (HTX) chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị. Đó là mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu toàn diện phát triển ngành nông nghiệp định hướng đến năm 2030” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân khẳng định.
“Đường băng” tăng trưởng xanh
Tưới phân vi sinh cho vườn tiêu xong, ông Nguyễn Văn Trường ở thôn 7, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập ngồi bệt dưới gốc hồ tiêu lấy điện thoại ra bấm. Màn hình điện thoại hiện lên dòng chữ: “Hôm nay là ngày bổ sung vi sinh” cho vườn tiêu 1,5 ha của gia đình ông. Phía trên cùng dòng chữ hiện rõ hai cột: “đang thực hiện” và “đã hoàn thành”, ông bấm vào cột “đã hoàn thành” với nụ cười mãn nguyện. “Nhờ cái app này, tôi biết hôm nay mình phải làm gì cho vườn tiêu. Nó giúp tôi chọn các dòng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm mình làm ra cả thế giới biết được quy trình canh tác như thế nào nên không còn phải lo về đầu ra như trước” - ông Trường phấn khởi chia sẻ. Ông cũng là một trong 36 thành viên của HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Phước tại xã Đắk Ơ ứng dụng phần mềm chuyển đổi số trong canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu đã hơn 3 năm qua. 
HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng thành lập cuối năm 2017, ban đầu chỉ có 37 thành viên. Đến nay, số thành viên của HTX tăng lên 240 với tổng diện tích 496 ha điều đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Điều đặc biệt là 80% thành viên HTX là người dân tộc S’tiêng, M’nông thuộc 2 xã Đắk Nhau và Đường 10 của huyện Bù Đăng. Một trong những lý do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia HTX ngày càng tăng được bắt nguồn từ chuỗi liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Trước đây, bà con cứ để cây điều tự phát triển, tự cho trái. Đến mùa thu hoạch, bà con dùng thùng phuy hoặc khúc gỗ lăn qua, lăn lại cho cỏ rạp xuống để nhặt trái. Bây giờ HTX tập huấn, hỗ trợ phân bón, máy cắt cỏ nên việc chăm sóc, thu hoạch điều thuận lợi hơn trước nhiều rồi. HTX còn thu mua điều cho bà con với giá cao hơn thị trường từ 500 đến 1.000 đồng/kg. Bà con ưng cái bụng lắm!” - ông Điểu Thanh, thôn Đắk La, xã Đắk Nhau cho hay.
Người dân ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp áp dụng công nghệ hiện đại trên đồng ruộng vừa giảm chi phí vừa tránh thất thoát trong quá trình thu hoạch
Không chỉ tập trung sản xuất nâng cao chất lượng cây điều, HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh còn mở rộng thêm khoảng 32 ha sầu riêng theo hướng canh tác hữu cơ. Các thành viên HTX được hỗ trợ kinh phí phân bón, giá thu mua nông sản và còn được tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ, vừa tiết giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao chất lượng nông sản. “Được sự hướng dẫn của HTX, mỗi năm gia đình tôi mua phân chuồng về ủ với nấm Trichoderma, sau 4 tháng đem bón cho cây trồng. Chúng tôi còn được HTX hướng dẫn cách nhân sinh khối các chế phẩm vi sinh để tưới vườn cây. Với cách làm này, mỗi năm giúp gia đình tôi giảm chi phí đầu tư hơn 30%, cây trồng phát triển bền vững, chất lượng nông sản được thương lái đánh giá rất cao” - ông Đỗ Ngọc Tích, thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh cho hay.
Vừa là nông dân vừa là giám đốc HTX, vừa là doanh nghiệp thu mua, chế biến trái sầu riêng cùng 30 năm gắn bó với bao thăng trầm của cây sầu riêng, chưa năm nào ông Trương Văn Đảo, thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX. Phước Long thấy thị trường mua bán sầu riêng sôi động như năm nay. “Mỗi ngày có vài chục thương lái từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang tìm về thôn Bàu Nghé thu mua sầu riêng. Bởi lẽ, diện tích sầu riêng của HTX cây ăn trái Bàu Nghé đã có mã số vùng trồng. Giá sầu riêng Ri6 bình quân từ 52-55 ngàn đồng/kg; còn sầu riêng Dona dao động từ 62-65 ngàn đồng/kg. Có thể khẳng định, giá sầu riêng của HTX năm nay lập đỉnh cao nhất từ trước tới nay, nhờ có mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chất lượng sầu riêng Bình Phước đủ sức cạnh tranh với các nước Thái Lan, Malaysia trên thương trường quốc tế” - Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo tự hào.
Tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện đã chạm mốc 6.200 ha, trong đó có khoảng 2.500 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân gần 10 tấn/ha. Với giá bán bình quân 52 ngàn đồng/kg đối với giống Ri6 và 62 ngàn đồng/kg đối với giống Dona, mỗi héc ta sầu riêng giúp người nông dân thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm. Những vườn sầu riêng được đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất từ 20-25 tấn/ha, cá biệt có vườn năng suất 30 tấn/ha. Vì vậy, mỗi hécta sầu riêng mang về lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm là chuyện không khó đối với những vườn năng suất, chất lượng cao.
Ngay sau khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật trái sầu riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cùng các cơ quan hữu quan đã nỗ lực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng 26 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng. Toàn tỉnh hiện có 197 HTX nông nghiệp với 96 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. 75/86 xã đã về đích nông thôn mới.
Không gian nông nghiệp xanh “cất cánh”
Để Bình Phước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thành lập các khu, cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. “Trong quá trình hoạch định chính sách phát triển cần tập trung lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp không nên quá lớn mà phải tích hợp tính đa năng của từng khu, cụm công nghiệp gắn với xây dựng, phát triển đô thị để vừa tiết kiệm tài nguyên đất vừa đảm bảo môi trường, đồng thời tránh được sự lãng phí sử dụng thâm hụt lao động do quá trình phát triển công nghiệp gây ra” - chuyên gia tư vấn, Phó Tổng giám đốc Công ty ENCITY Vương Phan Liên Trang khuyến nghị. 
Một trong những cơ hội lớn nhất để kinh tế Bình Phước tận dụng “cất cánh” trong thời gian tới, đó là sự lan tỏa của các hoạt động kinh tế trong vùng. Vị trí địa lý của Bình Phước gần như không bị tác động bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Cùng với đó là quyết tâm và khát vọng phát triển của đội ngũ cán bộ, cũng như khát vọng vươn lên của người dân trong tỉnh. Đây được xem là những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà Bình Phước cần tận dụng thời cơ để bứt phá vươn lên trong tương lai. Đặc biệt, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của Bình Phước rất lớn nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu để khai thác tối đa lợi thế này. 
“Bình Phước đang có dư địa phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất tốt nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp mà không phải địa phương nào cũng có được. Bây giờ là thời buổi chuyển đổi số, nông dân đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số, không cần ra đồng ruộng vẫn sản xuất, làm ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường. Vậy thì tại sao Bình Phước không đẩy mạnh phát triển nông nghiệp số bên cạnh chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo đà bứt tốc cho tăng trưởng xanh theo cam kết giảm phát thải khí nhà kính về 0 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)” - chuyên gia phản biện, Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững, Tiến sĩ Huỳnh Thị Mỹ Nương nêu vấn đề cho các nhà hoạch định, thực thi chính sách của Bình Phước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Phước ước đạt hơn 16.350 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu giá trị sản xuất: nông nghiệp chiếm 99,57%; lâm nghiệp 0,2%; thủy sản 0,23%. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm toàn tỉnh đạt 75,6%. Toàn tỉnh hiện có 260 chuỗi liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi; hơn 140 đơn vị là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tác giả bài viết: Đài PTTH và Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay9,065
  • Tháng hiện tại18,628
  • Tổng lượt truy cập4,702,710
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây