Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản và quản lý nuôi cá lồng bè trên hồ chứa.

Thứ sáu - 24/05/2024 03:39 84 0
Hiện nay, trong giai đoạn chuyển mùa năm 2024, các yếu tố môi trường sẽ biến động mạnh kết hợp với mưa/lũ đầu mùa gây bất lợi cho thủy sản nuôi lồng/bè trên sông/hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, qua kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong năm 2023 tại các khu vực nuôi lồng bè Hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Phước Hòa cho thấy chất lượng nước tại các hồ Thác Mơ, Phước Hòa, Cần Đơn có các chỉ tiêu môi trường nước biến động không ổn định. Một số thông số môi trường có giá trị vượt giới hạn cho phép như tổng chất rắn lơ lửng (TSS); Nitrite (NO2); Nitrate (NO3). Bên cạnh đó, đối với các ao nuôi chỉ số PH thấp (nước nhiễm phèn), hàm lượng oxy biến động gây ảnh hưởng đến cá nuôi. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản trong ao và thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt trên địa bàn tỉnh và căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh thuỷ sản và quản lý nuôi cá lồng bè trên hồ chứa trong đó triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Hướng dẫn người nuôi thả giống với mật độ phù hợp với tuỳ vùng và đối tượng nuôi, san thưa đối với những bãi nuôi có mật độ cao nhằm hạn chế rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài. Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giống thuỷ sản, quản lý hàm lượng PH, Oxy trong ao nuôi cụ thể:
- Khi hàm lượng PH cao hơn 8 mg/l cần thay 1/3 nước trong ao nuôi để làm loãng mật độ tảo trong ao nuôi và ngừng cho ăn để giảm bớt chất dinh dưỡng trong ao nuôi
- Khi hàm lượng PH thấp <6 mg/l cần thực hiện: dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) hoặc đá vôi đen (Dolomite) với liều lượng 1-3kg/100m3 nước ao (có thể sử dụng theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất). Vôi nông nghiệp và đá vôi đen chỉ có tác dụng hạ phèn từ từ, do đó nên phải bón 2-3 ngày một lần đến khi nước có pH thích hợp.
- Kiểm soát sự phát triển của tảo, duy trì độ trong thường xuyên từ 30-40 cm.
- Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm);

-  Giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn thuỷ sản nuôi;
2. Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu, bố trí nguồn nhân lực và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân lấy nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.
3. Thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật. Dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không cho phép. Cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật; các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa bão, hạn hán và biến động bất thường của thời tiết gây ra để ổn định sản xuất.
Bón vôi bột cải tạo môi trường ao
4. Khuyến cáo người nuôi thủy sản lồng bè, nuôi ao tuân thủ các quy định pháp luật trong nuôi trồng thủy sản. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời.
- Đối với các huyện có hoạt động nuôi lồng bè chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi:
+ Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định;
+  Bổ sung Vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường;
+ Thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi;
+  Chuẩn bị sẵn máy bơm, sục khí, nguyên, nhiên, vật liệu để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu. Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường lồng nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối. Sớm phát hiện những biến động môi trường ảnh hưởng không tốt đến thủy sản nuôi và kịp thời xử lý.
5. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng/bè theo Điều 14, Điều 1 “Sửa đổi bổ sung điều 36”, Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 về việc sửa đồi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
6. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các khu vực nuôi trồng thủy sản có diện tích nuôi lớn, kịp thời đưa ra khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.
7. Theo dõi sát thông tin thị trường, chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.
Tác giả bài viết: Phan Thị Minh
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây