SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC

http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn


Một số biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng gây hại trên cây trồng

Trong thời gian vừa qua, ở một số huyện, thị như Hớn Quản, Chơn Thành, Bình Long, Bọ cánh cứng bùng phát và gây hại trên một số loại cây trồng như xoài, mít, điều…làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như sinh hoạt của nhiều hộ dân. Bọ cánh cứng có tên khoa học là Leucopholis sp.; một số địa phương gọi là Bọ xòe.
1. Một số đặc điểm của Bọ cánh cứng:
Bọ cánh cứng đẻ trứng dưới đất, con trưởng thành màu nâu vàng hoặc xám tro, sau khi mọc cánh, các con trưởng thành sẽ bắt cặp, giao phối và đẻ trứng, sau khi đẻ trứng bọ trưởng thành sẽ chết, vì chúng có tính hướng quang nên thường tập trung tại những nơi có ánh sáng như ánh sáng đèn điện của các hộ dân hoặc ánh sáng đèn điện đường, hoạt động mạnh từ khoảng 18h – 20h.
Ấu trùng nở ra có thân cong, màu trắng sữa, đầu có mảnh sừng cứng màu nâu, trên thân có lông tơ màu trắng, dài khoảng 35mm, tên thường gọi là sùng đất.
2. Đặc điểm gây hại trên cây trồng:
Ấu trùng gây hại bộ rễ tạo thành các vết thương làm cho rễ hoạt động kém, không cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây. Giai đoạn của ấu trùng kéo dài từ 01 - 02 năm, chúng gây hại quanh năm. Đáng chú ý là từ các vết thương do ấu trùng gây ra, một số loài tuyến trùng và nấm bệnh có thể xâm nhập và gây hại cho cây trồng.
Bọ cánh cứng mọc cánh và gây hại vào đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 5, thời gian sống của bọ trưởng thành khoảng 20 đến 30 ngày. Sau khi mọc cánh, con trưởng thành sẽ bắt cặp, giao phối và đẻ trứng, trong thời gian này bọ trưởng thành gây hại bộ phận lá của các loại cây trồng như cây điều, cây xoài, cây mít,….nếu xuất hiện với mật độ nhiều thì bọ trưởng thành có thể ăn hết lá trên cây, làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
3. Một số biện pháp phòng trừ:
Nên xử lý đất trước khi trồng cây, thu dọn sạch tàn dư thực vật, có thể dùng một số thuốc có hoạt chất Benfuracarb (Lorban 75WG, Oncol 20EC),… để phòng trừ ấu trùng của bọ cánh cứng.
Đối với Bọ trưởng thành: Dùng bẫy đèn để bắt con trưởng thành, bên dưới đặt chậu nước có lớp váng dầu hỏa hoặc dầu nhớt, bọ cánh cứng lao vào đèn rơi xuống chậu nước, váng dầu sẽ bít kín lỗ thở ở 2 bên bụng bọ cánh cứng gây chết nhanh, khi mật độ bọ trưởng thành nhiều thì có thể dùng một số thuốc có hoạt chất như Permethrin, Abamectin,…để phòng trừ. Nên xử lý lúc bọ trưởng thành đang tập trung gây hại trên cây, khoảng từ 18h – 20h.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Bảy

Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây