Việc đẩy mạnh công tác trồng rừng tại khu vực Di tích quốc gia đặc biệt Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam được kỳ vọng góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, giảm xói mòn đất, giữ nguồn nước, cải thiện hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực; thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách đến tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tà Thiết.
Phát biểu tại buổi lễ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước Trần Quốc Hùng cho biết “Năm nay, theo dự báo, dưới ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thời tiết khả năng sẽ bớt nắng nóng cực đoan hơn. Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cần thực hiện tốt công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc rừng, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt”.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi lễ
Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng
Áp dụng linh hoạt chính sách xã hội hóa công tác phát triển rừng vào thực tiễn tại Bình Phước
Sau khi Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 ra đời, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Có thể nêu một vài điểm chính quy định về hoạt động xã hội hóa trong Luật Lâm nghiệp năm 2017 như sau: Tại khoản 2 Điều 3 quy định về Nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp: “2. Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.” Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 4 quy định Chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp: “1. Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.”, hoặc tại Khoản 8 Điều 73 quy định: “Chủ rừng được hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng”…
Dưới Luật, tại điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định: “Chủ rừng được tự đầu tư hoặc liên doanh, liên kết thực hiện các dự án phát triển rừng và tổ chức sản xuất trên diện tích rừng, đất trồng rừng sản xuất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.”
Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ cũng quy định: “2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tự đầu tư, huy động vốn hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản.”
Như vậy, các văn bản đã tạo tiền đề cho các địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý để Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác trồng rừng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Dự án trồng mới và chăm sóc 40,39 ha rừng theo hướng bền vững giai đoạn 2024-2028 tại tiểu khu 216 và tiểu khu 218, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết thuộc địa phận xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh là kết quả của việc huy động nguồn lực xã hội hóa công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Trước đó, được sự cho phép của UBND tỉnh Bình Phước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã kết nối cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị chủ rừng khảo sát các khu vực trên địa bàn tỉnh để triển khai việc hợp tác trồng rừng.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế tại một số đơn vị, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã chọn Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết là đơn vị để triển khai hợp tác trồng rừng. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết tổ chức trồng rừng và chăm sóc rừng trồng từ năm 2024 đến năm 2028. Rừng trồng sau khi thành rừng được bàn giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết quản lý theo đúng quy định.