Phấn đấu trong năm 2024 toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ hai - 19/02/2024 22:24 140 0
Ngày 19/02/2024, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Huỳnh Anh Minh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Giám đốc Sở NN và PTNT Phạm Thụy Luân, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã dự kiến về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị
Năm 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ nguồn ngân sách trung ương trên 149 tỷ đồng, vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với số tiền gần 84 tỷ đồng. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã phân bổ trên 20.000 tấn xi măng theo nhu cầu thực tế của các địa phương để làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phạm Thụy Luân báo cáo kết quả nổi bật Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2023
Kết quả tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 84,8% kế hoạch; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến quý 1 năm 2024 có thêm 6 xã có quyết định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 72,9% kế hoạch UBND tỉnh giao.
Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 2 huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đưa 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến thời điểm này, huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành đang hoàn thiện hồ sơ gửi trung ương thẩm định, huyện Lộc Ninh đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới trình các sở, ban, ngành của tỉnh thẩm tra.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Kết quả giải ngân nguồn vốn còn thấp, nguyên nhân chủ yếu do cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn về công tác lập kế hoạch, giao kế hoạch và quản lý sử dụng nguồn vốn từ trung ương đến địa phương còn chậm, dẫn đến quá trình chuẩn bị đầu tư, tạm ứng, thi công, nghiệm thu, thanh toán chậm tiến độ. Liên quan đến tiến độ triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế đặc thù chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do nguồn xi măng phân bổ chậm, phân bổ vào mua mưa nên các địa phương khó triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế đặc thù nói chung và giao thông nông thôn nói riêng phải đảm bảo quy định liên quan đến quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất nên công tác thuận chủ trương, duyệt dự toán, giao vốn phải được cân nhắc kỹ…
Tại hội nghị, bên cạnh 5 báo cáo tham luận của các sở, ngành, địa phương, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với những khó khăn, vướng mắc, cũng như các giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu tổng quát triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2024
 Phấn đấu thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phấn đấu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lũy kế toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 
Bình quân toàn tỉnh đạt 18,95/19 tiêu chí (bộ tiêu chí đạt chuẩn).
Huyện Đồng Phú và thị xã Chơn Thành được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ huyện Lộc Ninh, Phú Riềng đạt chuẩn huyện nông thôn mới trình trung ương thẩm định.
Tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao từ năm 2023 trở về trước.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh UBND Trần Tuệ Hiền đề nghị các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và phản hồi các ý kiến của các địa phương. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh khẩn trương khắc phục khó khăn liên quan đến việc giao vốn chậm, cũng như các vướng mắc khác đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải hệ thống những khó khăn, vướng mắc của từng ngành, từng địa phương để từng bước tháo gỡ. Riêng 13 xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024 cần phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, tuyệt đối không thấy khó khăn trước mắt mà nản chí để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
“Cách đây hơn 10 năm chúng ta có xã nông thôn mới đầu tiên của cả nước, thế nhưng đến nay kết quả về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới của Bình Phước phần nào còn khiêm tốn. Do đó, đội ngũ lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải trăn trở, trả lời được câu hỏi phải làm gì để tạo chuyển biến tích cực, nâng chất trong xây dựng nông thôn mới, có như vậy chúng ta mới hiện thực hóa được giấc mơ khát vọng Bình Phước”. 
 
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây