Giải phóng bình phước

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ năm - 20/05/2021 03:00 272 0
Ngày 19-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, năm năm qua, Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn các công việc. Bộ đã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành 272 văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng mới, hoàn thiện đồng bộ bảy chiến lược phát triển toàn ngành, các tiểu ngành, lĩnh vực. Đến hết năm 2020 và cả năm năm 2016-2020, có 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm năm đạt 2,62%/năm, năm 2020 tăng 2,68%; tổng kim ngạch xuất khẩu năm năm hơn 190 tỷ USD, năm 2020 đạt 41,53 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, cao hơn so mức 40,7% của năm 2015. Hết năm 2020, có hơn 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu (có 50%). Thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần năm 2015. /uploads/news/2021_05/qc.jpg Quang cảnh buổi làm việc. Phát biểu ý kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thành tích của ngành NN và PTNT trong nhiệm kỳ qua và những tháng đầu năm 2021 góp phần quan trọng vào ổn định tình hình đất nước, đồng thời thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với thành quả như vậy, diện mạo, cảm quan, môi trường sinh thái, không gian sống của nông nghiệp, nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao. Về các khó khăn, vướng mắc, tán thành với ý kiến của Bộ NN và PTNT, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung. Đó là việc chuyển đổi tư duy, phong cách, lề lối làm việc, tổ chức công việc, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đề ra. Hạ tầng nông nghiệp còn manh mún, chia cắt, chưa có kết nối tổng thể, đồng bộ, liên thông. Bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo. Thủ tướng cho rằng, số lượng viện nghiên cứu của Bộ (11 viện) là quá nhiều, chia cắt, chưa có mối liên kết, cần nghiên cứu sắp xếp lại, xứng tầm. “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật”, Thủ tướng nói. Phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Về mối quan hệ giữa các trụ cột, Thủ tướng nói rõ thêm, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ”, Thủ tướng nêu rõ. Đây là điều quan trọng nhất. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Nguồn lực bên trong bao gồm tài nguyên con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tài nguyên đất đai, nước, không khí. “Yếu tố con người quyết định tất cả. Do đó, người nông dân đóng vai trò trung tâm là như thế”, Thủ tướng nói. Nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, đó là khoa học quản lý, khoa học công nghệ, là nguồn vốn… Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, “có kế thừa nhưng phải có đổi mới, có ổn định nhưng phải có phát triển”. Không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt, sáng tạo, từ đó, mới “biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể…”, như vậy mới phát triển được. “Các mô hình đều có, nhìn thấy, cân đong đo đếm được, nhưng tại sao người ta làm được mà mình không làm được trong khi điều kiện, thể chế như nhau”, Thủ tướng nêu rõ, tư tưởng rất quan trọng, mà “tư tưởng không thông thì bình tông cũng nặng”. Thủ tướng lấy thí dụ về dự án một hồ chứa nước ở Quảng Ninh, bị “treo” nhiều năm do thiếu vốn giải phóng mặt bằng, nhưng khi tư tưởng người dân đã thông, đã hiểu rõ lợi ích của hồ chứa nước đối với mình, thì chỉ một tháng sau là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng mà không mất một đồng vốn, do người dân tự nguyện hiến đất. Thủ tướng nhấn mạnh, để làm tốt việc giải phóng mặt bằng, trước hết là giải phóng tư tưởng cho người dân và khi làm hạ tầng thì phải gắn với giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân. Thủ tướng nêu rõ tinh thần chỉ đạo là tăng cường phân cấp, phân quyền và đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa ba chủ thể: Người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ ra một số mô hình mà Bộ NN và PTNT nghiên cứu áp dụng như lãnh đạo, công quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công. Đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, đây cũng là một mô hình hợp tác công tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn. Bộ cần tập trung nguồn lực cho ba đột phá chiến lược, “đừng làm manh mún”. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NN và PTNT, nhất trí cho rằng cần xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này. án thành đề xuất của Bộ NN và PTNT về Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) quốc gia 2021-2025, Thủ tướng cho rằng, Chương trình góp phần thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Chương trình cần xác định năm điểm quan trọng: Xác định thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; có doanh nghiệp để có đầu vào, đầu ra; phải có sự tham gia của ngân hàng; áp dụng khoa học công nghệ. Cần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tổng kết các mô hình hay, cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngành cần coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, bên cạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành. Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc là có lộ trình thực hiện cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, “phải chọn mục tiêu, từ đó chọn việc, việc đó thì phải làm thế nào và tiếp đến chọn người, việc đó ai làm”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay3,856
  • Tháng hiện tại80,976
  • Tổng lượt truy cập4,552,856
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây