Thời điểm năm 1997, tỉnh có 23 công trình thủy lợi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 73 công trình thủy lợi gồm: 64 hồ chứa, 07 đập dâng, 1 trạm bơm, 1 hệ thống kênh thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn, với năng lực tưới theo thiết kế là 11.386 ha cây cần tưới; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp là 133.642 m3/ngày đêm. Các hệ thống thủy lợi đã phục vụ tốt cho sản xuất, dân sinh; bên cạnh đó, còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai,... Trong số 73 công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý 56 công trình, 17 công trình do các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài ngành và địa phương quản lý khai thác. Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, nhất là trong những năm gần đây khi thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, ngành đã tiến hành kiểm tra các công trình hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ, kịp thời đề xuất sửa chữa các hạng mục công trình bị xuống cấp đảm bảo vận hành an toàn công trình. Song song với đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt cũng đã được chú trọng đầu tư. Đến nay, ngành đã đầu tư xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 19 công trình sử dụng nguồn nước mặt từ các hồ chứa và 21 công trình sử dụng nước ngầm từ giếng khoan; hơn 30.000 công trình cấp nước nhỏ lẽ (giếng đào, giếng khoan đường kính nhỏ, lu chứa nước mưa,...). Các công trình đã cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, với hơn 98% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; góp phần tích cực trong công tác phòng, chống hạn.
Hệ thống hồ chứa thủy lợi Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Hệ thống kênh dẫn nước sau công trình thủy điện Cần Đơn, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước
Mặc dù Bình Phước nằm trong vùng ít chịu ảnh hưởng của bão nhưng lũ, lụt, lốc xoáy và các thiên tai khác thường xẩy ra, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời gian qua, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Là thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, ngành đã tổ chức tốt công tác trực Ban, phối hợp tốt với các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước, các địa phương..., để kịp thời thông báo các diễn biến thời tiết trong mùa mưa bão; Xây dựng được quỹ phòng chống thiên tai tỉnh và từng bước đi vào hoạt động nề nếp.
Hiện nay, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và toàn ngành đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu thủy lợi. Yêu cầu và nhiệm vụ công tác thủy lợi ngày càng lớn, đòi hỏi phải tập trung nỗ lực, nâng cao tính chủ động sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý. Do vậy, đòi hỏi đội ngủ cán bộ thủy lợi phải đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, luôn khắc phục khó khăn, không quản ngại gian nan thử thách, luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ngành, xây dựng ngành thủy lợi ngày càng phát triển bền vững./.