Ngày sách và văn hóa đọc

Mô hình phát triển điều bền vững ở Bình Phước

Thứ năm - 15/09/2022 03:20 812 0
Bình Phước được xem là “thủ phủ” của cây điều Việt Nam, diện tích trồng điều chiếm khoảng 45% diện tích điều của cả nước. Cây điều được trồng ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh nhưng tập trung chủ yếu tại 4 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú (125.244 ha), trong tổng diện tích điều năm 2022 là 151.124 ha (tăng 9.632 ha so với năm 2021), trong đó diện tích cho sản phẩm là 147.729 ha; năng suất trung bình 11,54 tạ/ha, sản lượng điều đạt 170.500 tấn.
Để phát triển cây điều theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 01/7/2019 về phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu Bình Phước đặt ra từ năm 2020-2030, diện tích điều của tỉnh đạt từ 175 đến 179 ngàn ha; năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2,1 tấn/ha; sản lượng từ 243 ngàn tấn năm 2020, lên 352 ngàn tấn vào năm 2030; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, nâng cao năng lực canh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế,…
Để đạt mục tiêu trên, trong những năm gần đây tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân tái canh vườn điều; phối hợp với các đơn vị nghiên cứu nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về kĩ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh hại và chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về cây điều.... Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển chế biến sâu và hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
Các hoạt động để nâng cao chất lượng vườn điều đã có những cải thiện nhưng chưa được như mong muốn. Nguyên nhân hạn chế đến năng suất đã được chuyên gia và nhà quản lý địa phương chỉ ra là: i) phần lớn diện tích điều được trồng từ hạt (cây thực sinh) không rõ nguồn gốc, nay đã già cỗi; ii) điều trồng chủ yếu là quảng canh, ít đầu tư; trồng trên những nơi đất xấu, vùng sâu xa không thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; iii) sâu bệnh hại phát sinh có xu hướng tăng và không theo quy luật có những năm gây tổn thất lớn về năng suất. Ngoài yếu tố trên, thì ảnh hưởng của thời tiết, mưa trái mùa bất thường vào giai đoạn cây ra hoa và đậu quả trong những năm gần đây cũng làm năng suất điều các vùng của tỉnh giảm.
Năm 2021 được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai xây dựng mô hình mẫu sản xuất và thâm canh điều bền vững (thuộc dự án khuyến nông Trung ương 2021-2023) tại xã Long Hưng, huyện Phú Riềng. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, với 15 ha mô hình thâm canh vườn điều thời kỳ kinh doanh được áp dụng theo quy trình canh tác thâm canh điều bền vững. Các biện pháp tỉa cành, tạo tán làm vườn điều thông thoáng; bón phân, xử lý thuốc BVTV hợp lý, đúng thời điểm được chú trọng đã giúp cây ra hoa nhiều, tăng tỷ lệ đậu trái, năng suất điều trong mô hình tăng lên đáng kể. Mặc dù bị ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi gặp mưa giai đoạn hình thành quả, nhưng năng suất điều hạt của các hộ tham gia mô hình niên vụ 2021/2022 đạt trung bình 1,7 tấn/ha (cao hơn so với ngoài mô hình 292 kg/ha); thu nhập 30.205.500 đồng/ha, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 20,02% so với ngoài mô hình.
Thông qua mô hình, dự án cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng mới và thâm canh cây điều tổng hợp cho hơn 80 lượt người dân. Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác sản xuất điều Long Hưng, với 20 hộ tham gia trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi. Mục đích của tổ hợp tác là thông tin, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hạt điều và tăng thu nhập cho các thành viên; liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm hạt điều để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Vừa qua mô hình đã được doanh nghiệp quan tâm đến tìm hiểu, tham quan và kí kết hợp đồng thu mua sản phẩm trong thời gian 2 năm (từ 2022 đến 2024).
Với kết quả trên, mô hình được chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ, người dân mong muốn tiếp tục thực hiện, nhân rộng để nhiều người quan tâm được biết và tham gia học tập.
Mô hình thâm canh điều bền vững ở Long Hưng, Phú Riềng, năm 2022

Tác giả bài viết: Trần Công Khanh, Mai Hưng

Nguồn tin: Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây điều

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay22,631
  • Tháng hiện tại63,661
  • Tổng lượt truy cập4,626,804
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây