Một số lưu ý khi phối trộn thức ăn tinh cho vật nuôi

Thứ hai - 23/05/2022 03:37 4.173 0
Trong thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng khiến cho người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2020 đến đầu tháng 4 năm 2022, giá TACN được điều chỉnh tăng liên tiếp 11 lần. Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, giá TACN ở mức cao sẽ duy trì và tăng đến hết năm 2022 do Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu.
Thực hiện chỉ đạo của  Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp đề xuất các giải pháp phát triển, khai thác nguồn thức ăn thay thế, nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy hoạch, chuyển đổi vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu.
Để tận dụng nguyên liệu sẵn có, phát huy thế mạnh vùng miền, phối trộn thức ăn tinh nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi, người chăn nuôi cần quan tâm một số nội dung sau:
I. Khái niệm chung về thức ăn
Nhóm thức ăn giàu năng lượng
Là nhóm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao, có vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động như đi lại, thở, tiêu hoá thức ăn... và góp phần tạo nên các sản phẩm (thịt, trứng, sữa và tinh dịch...).
Nhóm thức ăn giàu năng lượng gồm có:
- Hạt ngũ cốc và sản phẩm phụ của chúng: ngô, thóc, tấm, cám gạo...
- Các loại củ: sắn, khoai lang, dong riềng, củ từ ...
Nhóm thức ăn giàu đạm
Là nhóm thức ăn có hàm lượng đạm cao, có vai trò cung cấp nguyên liệu cho sinh trưởng phát triển cơ thể.
Nhóm thức ăn giàu đạm gồm có:
- Thức ăn có nguồn gốc thực vật: đậu tương, vừng, lạc, khô dầu ...
- Thức ăn có nguồn gốc động vật: cá, bột cá, bột tôm, bột thịt, giun đất, mối...
Nhóm thức ăn giàu khoáng
Là nhóm thức ăn có hàm lượng các chất khoáng cao để tham gia vào quá trình cấu tạo xương, các bộ phận khác và tiết sữa.
Nhóm thức ăn giàu chất khoáng gồm có: bột cua, vỏ ốc, vỏ trứng, bột xương...
Hàm lượng khoáng trong khẩu phần quá mức quy định sẽ gây ngộ độc cho vật nuôi.
Nhóm thức ăn giàu vitamin
Là nhóm thức ăn có hàm lượng vitamin cao, giúp tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Nhóm thức ăn giàu vitamin gồm có:
- Các loại rau, cỏ, lá cây, củ, quả (cà rốt, bí đỏ, xu hào...).
- Các loại vitamin và premix vitamin tổng hợp.
Một số ảnh hưởng của sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong thức ăn chăn nuôi:
Thiếu năng lượng: Vật nuôi sinh trưởng, phát triển chậm, năng suất và chất lượng thịt, sữa kém, lượng tinh dịch, trứng ít. Con sơ sinh/ trứng có khối lượng nhỏ.
Thiếu đạm: Vật nuôi sinh trưởng, phát triển chậm, tích luỹ nạc kém; năng suất và chất lượng thịt, sữa kém, lượng tinh dịch, trứng ít. Con sơ sinh/ trứng có khối lượng nhỏ.
Thiếu khoáng: Vật nuôi non xương phát triển kém, dễ bị bệnh còi xương. Vật nuôi sinh sản, nuôi con dễ bị bại liệt, trứng mỏng vỏ. Vật nuôi thương phẩm chậm lớn.
Thiếu vitamin: Tỉ lệ chết phôi cao. Vật nuôi non sinh ra giảm sức sống, dễ bị chết yểu, còi cọc, dễ mắc các bệnh về thiếu máu, về mắt, về da ...
Hàm lượng năng lượng, đạm (protein) và khoáng trong một số loại nguyên liệu thức ăn phổ biến sẵn có ở địa phương
Tên nguyên liệu NLTĐ (Kcal/kg) Đạm (%) Khoáng (%)
Canxi Phốt pho
Ngô 3300 9,0 0,22 0,30
Tấm 3300 8,5 0,13 0,34
Cám gạo 2500 12,0 0,17 1,65
Thóc 2680 7,0 0,22 0,27
Bột sắn khô 3100 2,9 0,25 0,16
Khô đậu tương 2600 42,0 0,28 0,65
Khô dầu lạc 2700 42,0 0,48 0,53
Bột đậu tương rang 3300 39,0 0,23 0,63
Bột cá loại 1 2600 55,0 5,00 2,50
Bột cá loại 2 2450 40,0 7,30 1,70
Bột moi biển 2450 60,0 3,0 1,5
Bột tép đồng 2480 62,0 4,3 1,8
Bột ghẹ 1450 28,0 12,0 1,2
Đicanxiphốtphát(DCP) - - 24,8 17,4
Bột vỏ don - - 33,2 -
II. Nguyên tắc phối trộn thức ăn chăn nuôi
Khi phối trộn thức ăn tinh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như sau:
- Nguyên liệu thức ăn cần đảm bảo dinh dưỡng, độ ẩm ≤ 14 %, tạp chất ≤ 1 %; hàm lượng độc tố, vi sinh vật gây hại, kim loại nặng… trong mức cho phép theo quy định. Các hạt cây họ đậu phải rang chín.
- Hỗn hợp thức ăn phải đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và protein, có tỷ lệ cân đối giữa protein động vật và thực vật; đủ khoáng và vitamin; phù hợp với đối tượng và lứa tuổi vật nuôi.
- Nếu là thức ăn hạt, viên thì kích cỡ phải phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi vật nuôi.
- Khi phối trộn, các nguyên liệu thức ăn phải có kích cỡ phù hợp. Có thể dùng máy trộn, hoặc trộn thủ công (bằng xẻng, tay). Cách trộn thủ công: dùng bạt trải trên sàn, đổ nguyên liệu nhiều trước, dàn đều, tiếp đến các nguyên liệu khối lượng nhỏ hơn; đối với các nguyên liệu khối lượng quá nhỏ như khoáng, vitamin thì trộn thêm với 1 lượng nguyên liệu nhiều sau đó dàn đều trên đống thức ăn, trộn lần lượt, nhiều lần đảm bảo đều.
Trộn thức ăn tinh cho vật nuôi bằng tay
 
Trộn thức ăn tinh cho vật nuôi bằng máy
- Khối lượng TACN phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, tránh giảm chất lượng thức ăn do phải bảo quản lâu. Thông thường, TACN cho vật nuôi ăn trong 7-10 ngày tuỳ điều kiện thời tiết.
- Đối với các phụ phẩm như bã bia, bã đậu, bã sắn… nên trộn vào thức ăn tinh trước khi cho vật nuôi ăn.
III. Sử dụng thức ăn
Trước khi cho vật nuôi ăn phải kiểm tra sức khoẻ vật nuôi, thức ăn thừa trong máng, kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị và nấm mốc.
Số lượng thức ăn, số lần cho ăn trong ngày phù hợp đối tượng, lứa tuổi và thể trạng vật nuôi.
Khi thay đổi thức ăn cần chuyển dần trong vài ngày, không nên chuyển đột ngột sẽ làm cho vật nuôi kém ăn và rối loạn tiêu hóa.
Để tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, có thể bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn chăn nuôi, liều lượng, cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
IV. Bảo quản thức ăn
Thức ăn/ nguyên liệu TACN phải được bảo quản nơi khô ráo, có giá kê đảm bảo cách mặt đất, cách tường ít nhất 20 cm, không đặt trực tiếp thức ăn xuống nền.
Kho chứa thức ăn phải sạch sẽ, khô, mát, tránh bị mưa hắt hay nắng chiếu trực tiếp, phòng chống chuột cắn phá. Không để TACN gần hoá chất độc hại, xăng dầu… Ðịnh kỳ vệ sinh kho, dọn dẹp thức ăn rơi vãi trong kho, diệt chuột và các côn trùng gây hại khác.

V. Quản lý thức ăn
Cần phải ghi chép sổ sách đầy đủ, chính xác các thông tin như: nhập, sử dụng nguyên liệu, phối trộn, sử dụng TACN, bổ sung thuốc, vitamin, chế phẩm sinh học vào thức ăn để phòng, trị bệnh cho vật nuôi (thời gian, số lượng…) giúp cho việc kiểm soát, quản lý thức ăn và hạch toán kinh tế. 
Nguồn tin: khuyennongvn.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây