Biện pháp kỹ thuật phòng trừ ruồi đục quả

Thứ ba - 04/07/2023 22:26 473 0
Ruồi vàng là đối tượng nguy hại với nhiều loại cây ăn quả như: Mít, xoài, bưởi, cam, mận…cả rau củ như bầu bí, mướp, dưa leo,… làm ảnh hưởng đến năng suất, mẫu mã và giảm chất lượng sản phẩm. Ruồi vàng đục quả gây hại quanh năm theo sự phát triển của từng loại cây trồng (khi quả lớn đến chín), khi bị ruồi đục quả có thể làm cho quả cong queo, dị dạng, thối rụng hàng loạt.
1. Đặc điểm hình thái của ruồi đục quả
Hiện nay, có rất nhiều loại ruồi đục quả. Tuy nhiên ở Việt Nam loài gây hại phổ biến nhất có tên khoa học là: Bactrocera dorsalis, thuộc Họ: Tephritidae, Bộ: Diptera
- Trưởng thành dài 6-8 mm, màu vàng nâu, có các vạch đen trên ngực và bụng. Cuối bụng ruồi cái có vòi dài, nhọn dùng để chích vào quả đẻ trứng.
- Trứng rất nhỏ, màu trắng ngà, nằm phía trong vỏ quả. Ruồi cái dùng ống để trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ 1 ổ trứng dưới lớp vỏ quả, mỗi ổ có từ 5- 10 trứng.
- Sâu non là loại dòi có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, miệng có một móc cứng đen, đẫy sức dài khoảng 6-8 mm.
- Nhộng dài 5 – 7 mm, hình trứng dài, màu nâu vàng đến nâu đỏ.
2. Đặc điểm và khả năng gây hại của ruồi đục quả:
Thời kỳ quả gần chín ruồi tập trung nhiều dưới tán lá, đậu trên mặt quả, dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả đẻ trứng. ruồi có thể sống từ 20-40ngày, mỗi ruồi cái có thể đẻ 400 trứng.
- Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng (thường đẻ trứng lên quả phần tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả). Vỏ trái nơi ruồi đục vào có màu đen, mềm, ứ nhựa (mủ), tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công làm thối trái và có thể bị rụng hoặc vẫn đeo trên cây. Lỗ chích đẻ trứng của ruồi vàng đục trái trên vỏ trái cây rất nhỏ do đó rất khó phát hiện, phải nhìn kỹ trên mặt vỏ quả mới có thể nhận thấy những vết thâm, lấy tay bóp nhẹ tại vị trí vết thâm sẽ chảy ra nước.
- Dòi nở ra đục ăn trong quả (ăn thịt trái). Một quả có thể bị nhiều đòi phá hại. Ruồi đục quả phá hại từ khi quả già đến chín. Quả bị hại thường thối và rụng.
- Khi bị ruồi đục quả gây hại làm giảm chất lượng quả, gây thối hỏng trên vườn, giảm năng suất, giá trị quả. Mùa mưa là giai đoạn ruồi sinh sản mạnh và gây hại nặng.
3. Cách phòng trừ ruồi đục quả:
*  Biện pháp cơ học:
- Thường xuyên tỉa bỏ cành già, cành tăm, cành bị sâu bệnh để vườn luôn sạch sẽ, thông thoáng.
- Thu hoạch sớm khi quả vừa chín, không nên để lại những quả quá chín sẽ là nguy cơ dẫn dụ ruồi vàng gây hại.
- Dùng túi bọc trái: Khi trái đã đậu được từ 3-4 ngày có thể bao trái lại bằng, bao quả có tác dụng hạn chế ruồi rất tốt. Khi quả bắt đầu vào giai đoạn lớn dùng loại bao chuyên dùng cho bọc quả để bọc từng quả và giữ nguyên cho đến khi thu hoạch. (chú ý: khi bọc phải dùng vật nhọn như đầu tăm nhọn chọc một số lỗ thông hơi ở túi để quả vẫn hô hấp bình thường).
  - Vệ sinh đồng ruộng: Khi quả bị ruồi hại thường rơi rụng sớm hoặc bị thối đang trên cây, dị dạng,…để giảm nguồn sâu nên thu nhặt hết các quả thối, rụng, dị dạng,…đem tiêu hủy chôn lấp, xử lý.
*  Biện pháp hóa học:
 - Sử dụng bẫy pheronmone:  Sử dụng bẫy ViZubon - D dẫn dụ ruồi đực (đặt 5 - 10m/1 bẫy)  treo trực tiếp trên cây, hoặc cọc choái,…cách mặt đất từ 1- 2m ở chỗ dâm mát tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm giảm hiệu lực, sau 10-15ngày tẩm thuốc lại 1 lần làm như vậy cho đến khi thu hoạch quả.
- Dùng bẩy dính: Dùng các loại tấm dích diệt ruồi vàng bóc ra treo lên cây (tùy mật độ ruồi, diện tích cụ thể từng vườn để treo tấm dính cho phù hợp), ngoài tác dụng diệt ruồi đục quả còn có tác dụng diệt các loại côn trùng khác khi dính vào tấm dính.
  -  Phun thuốc: Nếu ruồi vàng gây hại nặng thì sử dụng thuốc BVTV để ngăn chặn kịp thời. Khi quả già chưa chín, phun trừ ruồi và dòi bằng các thuốc có hoạt chất Cyromazine.
Tác giả bài viết: Mai Hưng
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây