Những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

Thứ ba - 15/08/2023 04:35 360 0
Ngày 10/07/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh sản phẩm; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.
1. Cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp
- Lĩnh vực trồng trọt
Cơ cấu lại sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm dần diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cụ thể: Giảm 16,8%, tập trung vào các loại cây như: Cà phê giảm 43% diện tích, hồ tiêu giảm 28% diện tích, cao su giảm 19,4% diện tích, điều giảm 9,1% diện tích…; diện tích cây ăn quả tăng 60,83%, rau màu các loại tăng 19,62%.
- Lĩnh vực chăn nuôi
Phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao, liên kết chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; không chăn nuôi trong đô thị, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng.
- Lĩnh vực lâm nghiệp
Quản lý, bảo vệ rừng theo hướng phát triển bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung quản lý, bảo tồn và phát triển rừng bền vững gắn với phát triển du lịch; hướng dẫn, thúc đẩy hoạt động cấp chứng chỉ rừng cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước, tư nhân.
Khai thác, chế biến gỗ và phân loại doanh nghiệp chế biến gỗ, đảm bảo các mặt hàng gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp. Quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến.
- Lĩnh vực thủy sản
Phát triển nuôi thủy sản, kết hợp với du lịch sinh thái, tập trung phát triển tại các hồ thủy lợi, thủy điện, các xã có diện tích mặt nước lớn trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng. Phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 5-6% đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 4.900 tấn và ổn định giá trị sản xuất đến năm 2030. Duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên diện tích 1.811 ha và làm giàu nguồn lợi các loại thủy sản, đặc sản của địa phương như cá lăng nha, cá lìm kìm...
2. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng năng suất lao động và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất
- Tập trung sản xuất hàng hóa, kết hợp với đa dạng sinh học, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, chú trọng đầu tư khâu sơ chế, bảo quản, chế biến; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
- Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội; chuyển đổi nhanh cơ cấu và tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; tăng cường đào tạo lao động nông nghiệp thành “Nông dân chuyên nghiệp” trong cả sản xuất và quản lý, điều hành.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp với cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Ưu tiên số hóa, tự động hoá trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
3. Tăng cường liên kết, phát triển chuỗi giá trị, hệ sinh thái nông nghiệp
- Chuỗi ngành hàng cây công nghiệp
+ Cao su: Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đa giá trị sản phẩm từ mủ cao su đến gỗ, mủ cao su thành phẩm, các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán cao su có giá trị gia tăng cao và cung ứng dịch vụ, sản phẩm chế biến sâu như: Nệm, gối, găng tay, lốp xe ô tô, lốp xe máy, các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp cung cấp thị trường trong và ngoài nước, ưu tiên xuất khẩu.
+ Điều: Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều. Đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “Hạt điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
+ Hồ tiêu: Phát triển diện tích hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance, hữu cơ, đa dạng sinh học… theo liên kết chuỗi, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
- Chuỗi ngành hàng cây ăn quả
Tập trung sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đa dạng sinh học, bền vững gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhận diện đặc sản địa phương, truy xuất nguồn gốc và thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Phát triển chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường trên cơ sở hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán theo nhóm ngành hàng, địa phương, đồng thời nhà nước hỗ trợ quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp thông tin về thị trường, liên kết và kỹ thuật sản xuất, bảo hiểm nông nghiệp.
-  Chuỗi ngành hàng chăn nuôi
Xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững gắn với chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ). Ưu tiên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
- Hệ sinh thái nông nghiệp
Xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Nghiên cứu đẩy mạnh nông nghiệp đô thị; nông nghiệp du lịch, phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cung cấp sản phẩm sạch phục vụ trong và ngoài đô thị.
4. Cơ cấu lại hình thức liên kết, hợp tác sản xuất
Nâng cao năng lực của từng chủ thể tham gia liên kết: Về trình độ, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng, thông tin, định hướng thị trường, xây dựng thương hiệu cho cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán).
Đối với liên kết ngang: Phát triển đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu với quy mô đủ lớn gắn với nhu cầu, tín hiệu thị trường; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã; giữa các doanh nghiệp; liên kết vùng sản xuất.
Đối với liên kết dọc: Tập trung xây dựng, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thúy
Nguồn tin: (Tổ soạn thảo Nghị quyết)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây