Theo đó: (1) Hiện nay đã phát sinh thêm một số đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng mới đưa vào vận hành hoặc nâng cấp sản lượng, công suất so với trước đây; (2) Theo quy định mới của pháp luật, bổ sung thêm các đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, như: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện chi trả trực tiếp; các các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước; Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải nhà kính lớn; các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; (3) Một số đơn vị chủ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo Đề án cũ đã giải thể, sáp nhập và bàn giao nguyên trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp về cho các đơn vị chủ rừng mới quản lý; (4) Diện tích, hiện trạng rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo Đề án cũ không còn phù hợp với thực tế hiện nay các đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng đang quản lý; (5) Phương án chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo Đề án cũ chưa đúng theo quy định của pháp luật hiện hành (chưa thực hiện chi trả theo lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng).
Để triển khai các hoạt động có liên quan đến dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã xin chủ trương của UBND tỉnh xây dựng “Đề án dịch vụ môi trường rừng tỉnh Bình Phước” và được UBND tỉnh chấp thuận theo Quyết định số 1462/UBND-KT ngày 03/06/2021 để thực hiện đề án trên.
Để đẩy nhanh thực hiện lập Đề án dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã hoàn thiện trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật và đơn vị trúng thấu lập Đề án là Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang thực hiện các bước lập Đề án theo Đề cương dự toán đã được phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2021.
Khi Đề án được phê duyệt là cơ sở pháp lý để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên cung ứng, sử dụng dịch vụ môi trường rừng; việc triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần huy động được nguồn lực hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đồng thời là nguồn thu lớn hàng năm của các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, góp phần để các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao và khuyến khích được nhiều tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân tại địa phương tham gia quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian tới.