Đây là cá thể Tê tê đi lạc vào khu vực sân trước của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Bình, ngụ tại Tổ 1, khu phố Suối Đá, P Tân Xuân, TP Đồng Xoài, và được con trai của chị Bình nhìn thấy giữ lại, đem vào nhà để chăm sóc. Sau khi tìm hiểu và có được thông tin của cơ quan chức năng, gia đình đã chủ động liên hệ ngay để trao lại động vật, với mong muốn phóng sinh đưa động vật trở về rừng tự nhiên để tiếp tục sinh sống. Việc làm nhỏ của con trai chị Bình và gia đình rất đáng được tuyên dương và nhân rộng trong công tác bảo vệ, bảo tồn động vật rừng hiện nay.
Con trai chị Bình trao lại cá thể Tê tê cho cơ quan Kiểm lâm.
Tại thời điểm tiếp nhận cá thể Tê tê khỏe mạnh, nặng khoảng 3,5 kg. Tê tê hay còn gọi là Trút, thuộc Bộ Tê tê. Tại nước ta Tê tê có hai loài là Tê tê vàng và Tê tê Java. Cơ thể của chúng được bao bọc bởi một lớp vảy cứng. Cả hai loài Tê tê này thường bị tiêu thụ để làm thức ăn trong các nhà hàng hoặc dùng ngâm rượu. Vảy của chúng thường bị bán để làm thuốc trị bệnh, chính vì vậy số lượng Tê tê ngoài tự nhiên bị suy giảm rất nhiều và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng nếu chúng ta không có các biện pháp ngăn chặn bảo vệ kịp thời loài này.
Trước đó cũng trong tháng 11/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận 04 cá thể Kỳ đà vân (thuộc nhóm IB) còn sống từ một cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Đồng Xoài tự nguyện giao nộp lại để cứu hộ tái thả về rừng tự nhiên.
04 cá thể Kỳ đà vân được Chi cục Kiểm lâm tiếp nhận ngày 28/11/2021.
Việc chỉ trong một thời gian ngắn có nhiều động vật rừng được người dân thông báo giao nộp lại cho thấy ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ động vật hoang dã của người dân ngày càng được nâng cao. Trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân và chủ các cơ sở nuôi động vật rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước tham gia công tác bảo vệ động vật rừng, nói không với các hành vi nuôi nhốt, tiêu thụ, chế biến, buôn bán, vận chuyển… động vật rừng trái pháp luật. Vận động tổ chức, cá nhân tự giác giao nộp động vật rừng(đang cất giữ, nuôi, nhốt) cho Nhà nước, nhất là đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm; loài thuộc các Phụ lục của Công ước Cites.