Ngày 10/4/2023 tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh, đơn vị Hạt Kiểm lâm Lộc Ninh phối hợp với Công an thị trấn Lộc Ninh và người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã đã tiến hành bàn giao lại cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật trực thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập 2 cá thể Rái cá vuốt bé (có tên khoa học Aonyx cinereus) mỗi cá thể Rái cá có trọng lượng 2,4 kg (tổng trọng lượng 4,8kg/2 cá thế), cá thể Rái cá được xác định giới tính trong đó có 1 cá thể đực, 1 cá thể cái có tình trạng sức khỏe tốt, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Nguồn gốc động vật rừng nói trên do Bà Nguyễn Tuấn Tú (trú tại Khu phố Ninh Thịnh, Thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh giao nộp). Sáng cùng ngày, bà Tú xuống thăm ao cá của gia đình tại ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh trong lúc đang cho cá ăn phát hiện có tiếng kêu lạ ở phía cuối ao, bà Tú ra kiểm tra thì phát hiện 2 cá thể Rái cá vào ao ăn cá bị mắc vào lưới sắt, bà Tú đã kêu công nhân làm vườn dùng vợt vớt 2 cá thể Rái cá lên cho vào lồng sắt giữ lại và đồng thời liên hệ với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh để bàn giao lại 2 cá thể trên với mong muốn thả về môi trường tự nhiên.
Bà Nguyễn Tuấn Tú bàn giao 2 cá thể Rái cá vuốt bé cho
cơ quan chức năng để tái thả về rừng tự nhiên.
Sau khi tiếp nhận 2 cá thể Rái cá vuốt bé, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ tiếp tục chăm sóc, theo dõi và huấn luyện, phục hồi tập tính hoang dã, khi đủ các điều kiện theo quy định sẽ thả về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Qua sự việc này, cho thấy nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh trong việc chung tay bảo vệ động vật rừng, động vật hoang dã ngày càng cao, góp phần gìn giữ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tăng tính đa dạng sinh học cho rừng và nhất là bảo vệ các loài động vật rừng có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng.