Để thực hiện Chỉ thị số 13, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 05/12/2017; kết quả, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực từ mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện còn, rừng trồng tập trung sang phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái; tập trung phát triển vùng nguyên liệu có quy mô gắn với xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến theo công nghệ tiên tiến; tình trạng dân di cư tự do cơ bản được kiểm soát; công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cơ bản đồng bộ, chặt chẽ; ngành lâm nghiệp của tỉnh đã có những thành tựu đáng kể và chuyển biến theo hướng tích cực, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giai đoạn 2017 - 2022 là 703 vụ, giảm 2.344 vụ so với giai đoạn 2011 - 2016; chỉ xảy ra 05 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại là 3,260 ha rừng sản xuất; diện tích rừng trồng mới của tỉnh đạt 1.144,35 ha; đã trồng được 1.363.941 cây phân tán; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 22,66%, tăng 1,07% so với năm 2016.
|
Hiện trường trồng rừng bán ngập tại khu vực lòng hồ thủy điện
Cần Đơn thuộc huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước
|
Thực hiện Đề án thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó có Chi cục Kiểm lâm thông qua việc triển khai thực hiện Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10/4/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước và Quyết định số 1015-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Sau kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước còn lại 03 Phòng chuyên môn, 01 Đội KLCĐ & PCCCR và 05 Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã trực thuộc.
Chi cục Kiểm lâm là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở địa phương. Lực lượng Kiểm lâm là tổ chức có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm đang thực hiện tham mưu toàn diện các nhiệm vụ về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Quản lý rừng, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phát triển rừng, sử dụng rừng, quản lý, chế biến và thương mại lâm sản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, kiến thức lãnh đạo, quản lý cho lực lượng Kiểm lâm được coi trọng; ứng dụng khoa học, công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ được tăng cường trong thời gian qua.
Theo số liệu báo cáo, đến nay trên địa bàn tỉnh có 96 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có 10 doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc và trên 300 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2017 đạt 97,9 triệu USD (chiếm 4,62% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh); năm 2018 đạt 114 triệu USD (chiếm 5,2%); năm 2019 đạt 119 triệu USD (chiếm 4,5%); năm 2020 đạt 158,55 triệu USD (chiếm 5,9%); năm 2021 đạt 263,8 triệu USD (chiếm 8,11%) và năm 2022 đạt 346,7 triệu USD (chiếm 9%).
Trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh có 84 dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích là 2.492,71 ha. Phân theo hiện trạng rừng: Rừng tự nhiên là 10,30 ha và rừng trồng là 2.482,41 ha; phân theo quy hoạch 03 loại rừng: Rừng đặc dụng là 10,30 ha (rừng tự nhiên là 10,30 ha), rừng phòng hộ là 0,90 ha (rừng trồng) và rừng sản xuất là 2.481,515 ha (rừng trồng). UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ dự án và đơn vị liên quan thực hiện quy định về trồng rừng thay thế theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Công tác quản lý quy hoạch 03 loại rừng được thực hiện thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ ở các cấp. Quá trình lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát diện tích quy hoạch lĩnh vực lâm nghiệp tích hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đúng với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.
Đến nay, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (171.829,52 ha) đã được giao cho các đơn vị chủ rừng quản lý, gồm: 02 Ban quản lý rừng đặc dụng, 05 Ban quản lý rừng phòng hộ và 02 Hạt Kiểm lâm trực tiếp quản lý rừng. Ngoài ra, còn có một số chủ rừng là các cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh cho thuê đất lâm nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển lâm nghiệp; trồng rừng, trồng cây Cao su và sản xuất nông, lâm nghiệp; diện tích còn lại do UBND cấp xã quản lý.
Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đến nay, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể đã quan tâm, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm và tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đã phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, trách nhiệm của Kiểm lâm được giao phụ trách, quản lý địa bàn, của chủ rừng. Đặc biệt cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chú trọng tuyên truyền giáo dục đến cộng đồng dân cư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phần nào đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt.