Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ.

Thứ tư - 16/11/2022 02:04 138 0
Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ (Technical Regulation on Wood adhesives). Ký hiệu: QCVN 03-01:2022/BNNPTNT. Quy chuẩn này thay thế QCVN03-01:2018/BNNPTNT. Nội dung chính của QCVN 03-01:2022/BNNPTNT như sau:
1 QUY ĐỊNH CHUNG
1.1 Phạm vi điều chỉnh
1.1.1 Quy chuẩn này quy định mức giới hạn, phương pháp xác định và yêu cầu quản lý đối với hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ có thành phần formaldehyde tự do (sau đây viết tắt là keo dán gỗ) được sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam.
 Danh mục keo dán gỗ thuộc sự điều chỉnh của Quy chuẩn này được quy định chi tiết tại Phụ lục A kèm theo Quychuẩn này.
1.1.2 Quy chuẩn này không áp dụng cho keo dán gỗ nhập khẩu dưới dạng mẫu thử; hàng mẫu; hàng triển lãm hội chợ; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh.
1.2 Đối tượng áp dụng
1.2.1 Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông, lưu trữ và sử dụng keo dán gỗ.
1.2.2 Các cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân liên quan trong quản lý chất lượng keo dán gỗ.
1.2.3 Các tổ chức, cá nhân liên quan trong thử nghiệm, đánh giá, công bố hợp quy đối với keo dán gỗ.
1.3 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng Quy chuẩn này. Đối với tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN11569: 2016, Keo dán gỗ - Xác định hàm lượng formaldehyde tự do;
TCVN 2090:2015 (ISO15528: 2013), Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn và vecni - Lấy mẫu;
TCVN ISO 9001:2015 (ISO 9001:2015, Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu.
1.4 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong Quy chuẩn này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.4.1 Keo dán gỗ
Chất có khả năng liên kết các vật liệu gỗ với nhau hoặc liên kết vật liệu gỗ với vật liệu khác bằng gắn kết bề mặt.
1.4.2 Lô sản phẩm
Tập hợp một loại keo dán gỗ có cùng thông số kỹ thuật và được sản xuất cùng một đợt trên cùng một dây chuyền công nghệ.
1.4.3 Lô hàng hóa
Tập hợp một loại keo dán gỗ được xác định về số lượng, có cùng nội dung ghi nhãn, do một tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tại cùng một địa điểm được phân phối, lưu thông và tiêu thụ trên thị trường.
1.4.4 Mẫu điển hình
Mẫu đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của keo dán gỗ được sản xuất theo cùng một dạng thiết kế, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật liệu.
1.4.5 Mẫu đại diện
Mẫu, trong phạm vi độ chụm của các phương pháp thử, được sử dụng, thỏa mãn tất cả các đặc tính của keo dán gỗ được lấy mẫu.
2. YÊU CẦU KỸ THUẬT
2.1 Mức giới hạn về hàm lượng formaldehyde tự do
Hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ không vượt quá 1,4% theo khối lượng.
2.2 Phương pháp xác định hàm lượng formaldehyde tự do
2.2.1 Hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ được xác định theo một trong các phương pháp thử áp dụng cho từng nhóm keo dán gỗ cụ thể quy định tại TCVN 11569:2016.
2.2.2 Mẫu keo dán gỗ dùng để xác định hàm lượng formadehyde tự do phải ở dạng dung dịch.
2.2.3 Đối với keo dán gỗ dạng bột, phải được chuyển thành dạng dung dịch với đầy đủ các thành phần theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi xác định hàm lượng formadehyde tự do.
2.2.4 Với keo dán gỗ nhiều thành phần, phải pha chế đầy đủ các thành phần theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi xác định hàm lượng formadehyde tự do.
3 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
3.1 Quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy
3.1.1 Các loại keo dán gỗ phải được công bố hợp quy phù hợp với quy định về giới hạn hàm lượng formaldehyde tự do quy định tại mục 2.1 Quy chuẩn này.
3.1.2 Việc công bố hợp quy được thực hiện dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Việc thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy được thực hiện tại các tổ chức thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ).
3.1.3 Phương thức đánh giá sự phù hợp
Việc đánh giá sự phù hợp được thực hiện theo phương thức 5 hoặc phương thức 7 quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN), cụ thể như sau:
3.1.3.1 Phương thức 5
3.1.3.1.1 Áp dụng cho nhà sản xuất có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm keo dán gỗ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, được cấp bởi các tổ chức chứng nhận đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP đối với tổ chức chứng nhận trong nước hoặc tổ chức chứng nhận được Hiệp hội Diễn đàn công nhận quốc tế (IFA) thừa nhận đối với cáctổ chức chứng nhận nước ngoài.
3.1.3.1.2 Hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy có giá trị 03 năm, kể từ ngày ký.
3.1.3.1.3 Đánh giá, giám sát: Căn cứ ngày có hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, tổ chức chứng nhận hợp quy lấy mẫu đánh giá, giám sát đối với keo dán gỗ công bố hợp quy với tần suất 1 lần/ 1 năm (12 tháng).
3.1.3.2 Phương thức 7
3.1.3.2.1 Áp dụng cho từng lô sản phẩm sản xuất, lô hàng hóa nhập khẩu trên cơ sở thử nghiệm chất lượng mẫu đại diện của lô sản phẩm, lô hàng hóa.
3.1.3.2.2 Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị đối với từng lô sản phẩm, từng lô hàng hóa.
3.1.4 Phương pháp lấy mẫu, quy cách, khối lượng và bảo quản mẫu
3.1.4.1 Phương pháp lấy mẫu, chuẩn bị mẫu và bảo quản mẫu thử điển hình được thực hiện theo TCVN 2090: 2015 (ISO 15528:2013).

3.1.4.2 Quy cách và khối lượng mẫu điển hình cho mỗi lô sản phẩm, lô hàng hóa keo dán gỗ được thực hiện theo TCVN 2090: 2015 (ISO 15528:2013).
3.1.5 Trình tự, thủ tục chứng nhận hợp quy, hồ sơ công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN; Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/ 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ- CP ngày 15/5/2018, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ.
3.2 Quy định về ghi nhãn, bao gói
3.2.1 Các loại keo dán gỗ lưu thông trên thị trường phải thực hiện ghi nhãn trên bao gói sản phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 và bắt buộc phải ghi định lượng thành phần formaldehyde tự do trong sản phẩm, hàng hóa. Trường hợp không ghi nhãn theo quy định thì phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại mục 3.1.1.
3.2.2 Các loại keo dán gỗ khi lưu thông trên thị trường phải được đóng gói bao bì hoàn chỉnh, không bị lộ thiên.
4. TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1 Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh keo dán gỗ
4.1.1 Phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, ghi nhãn, bao gói theo quy định tại mục 2 và mục 3 Quy chuẩn này.
4.1.2 Thực hiện các quy định tại Điều 16 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.
4.1.3 Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các thông tin cung cấp về keo dán gỗ theo quy định của pháp luật.
4.1.4 Nộp hồ sơ công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa keo dán gỗ đã được chứng nhận hợp quy cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.
4.2 Các tổ chức đánh giá sự phù hợp keo dán gỗ
4.2.1 Thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho keo dán gỗ theo quy định tại mục 3.1 của Quy chuẩn này.
4.2.2 Thực hiện đăng ký hoạt động chứng nhận theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP.
4.3 Tổng cục Lâm nghiệp
4.3.1 Tổ chức rà soát, thẩm định hồ sơ, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho các tổ chức: thử nghiệm, chứng nhận hợp quy; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chuẩn này.
4.3.2 Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng và kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa keo dán gỗ theo quy định của pháp luật.
4.4 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
4.4.1 Tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy và đăng trên cổng thông tin của Sở theo quy định tại Điều 15 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.
4.4.2 Định kỳ hằng năm, đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số lượng sản phẩm, hàng hóa keo dán gỗ công bố hợp quy.
4.5 Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định mới tương ứng với văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn hiện hành
Tác giả bài viết: Cao Xuân Hưng
Nguồn tin: Chi cục Kiểm lâm:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay7,105
  • Tháng hiện tại94,236
  • Tổng lượt truy cập6,458,236
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây