Rừng Bù Đốp
Từ năm 2013 đến nay, việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm rừng. Thông qua việc triển khai chính sách đã góp phần chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Theo đó, trong giai đoạn 2013-2021, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh ký 10 hợp đồng với các đơn vị có cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh và chủ động đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam quan tâm, điều phối tiền chi trả DVMTR đối với 17 cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh. Tính từ năm 2013 đến năm 2021 tỉnh Bình Phước đã thu được hơn 244 tỷ đồng đối với các cơ sở sử dụng DVMTR như: nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp và chi hơn 219 tỷ đồng cho các đơn vị chủ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng hàng năm, đã góp phần hỗ trợ các đơn vị chủ rừng chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng như: chi cho công tác bảo vệ rừng, chi đầu tư lâm sinh, xây dựng các trạm quản lý bảo vệ rừng, chòi canh lửa, đường băng cản lửa, bảng tuyên truyền,… góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Điều đáng nói, việc áp dụng chính sách DVMTR trong thực tế đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. So với khi thành lập, định mức chi tiền dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng, theo đó khi mới triển khai thực hiện chính sách, định mức chi 200.000 đồng/ha nhưng đến nay mức chi tăng lên trên là 700.000 đồng/ha. Định mức chi ngày càng tăng do mức thu từ các đơn vị sử dụng DVMTR tăng lên như cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3.
Nguồn kinh phí chi ngày càng tăng sẽ góp phần bổ sung thêm thu nhập cho người làm nghề rừng, đồng thời khuyến khích người dân nhận khoán tham gia quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng DVMTR.Thông qua các hoạt động bảo vệ rừng của các lực lượng nhận khoán, nguồn thu nhập được tăng lên, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống đối với những hộ nghèo, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa; các cộng đồng dân cư thôn đã có thêm nguồn tài chính để quản lý bảo vệ rừng.
Có thể nói chính sách chi trả DVMTR là chính sách đúng đắn nên nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp. Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan, đặc biệt là sự phối hợp tốt với các đơn vị có cung ứng DVMTR, đơn vị có sử dụng DVMTR trong việc thu, nộp tiền DVMTR đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quỹ tỉnh hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cũng như tiếp tục hỗ trợ ngành Lâm nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và người dân sống ở gần rừng.