Tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững ngành hàng cacao tại Bình Phước

Thứ ba - 06/08/2024 03:43 161 0
Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, không có mùa đông lạnh, có nền nhiệt cao đều quanh năm, ít gió bão, cùng với quỹ đất Bazan rộng lớn màu mỡ, nhiều diện tích có thể chủ động tốt nguồn nước tưới từ các sông, suối, ao, hồ và các công trình thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ khác, hoặc có thể khai thác hợp lý nguồn nước ngầm với trữ lượng khá dồi dào để phát triển các loại cây trồng nhiệt đới, trong đó có cây Cacao.
Trong gần 10 năm trở lại đây, cây Cacao đã chứng minh được tính ổn định, hiệu quả cao, giúp người trồng Cacao tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nhờ thực hiện tốt hình thức trồng xen canh Cacao dưới tán Điều, Cà phê, cây ăn trái. Nhất là trong năm 2024, cây Cacao đã thực sự giúp người nông dân vươn lên làm giàu khi giá hạt khô Cacao lên men đạt ngưỡng 140.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh Bình Phước có diện tích trồng Cacao rất ít, chỉ 310 ha (chiếm 6,17% diện tích Cacao cả nước). Trong khi xét về tiềm năng và thế mạnh, nhất là về tính thích nghi của cây Cacao, về quỹ đất trồng xen canh, về khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu,… thì tỉnh Bình Phước có nhiều lợi thế đặc biệt mà khó có tỉnh/thành nào trong cả nước có thể so sánh được. Đây là cơ hội cho tỉnh Bình Phước thúc đẩy phát triển chuỗi Ngành hàng Cacao theo hướng hiệu quả và bền vững. 
1. Giống trồng - tính thích nghi đã được kiểm chứng:
Với tập đoàn dòng vô tính Cacao được trồng ban đầu (năm 2005) tại tỉnh Bình Phước rất phong phú như TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD9, TD10, TD20, TD38,… và một số ít diện tích được trồng từ hạt lai đã biết trước nguồn gốc bố mẹ (chiếm < 1% tổng số diện tích Cacao toàn tỉnh). Trải qua 19 năm phát triển sản xuất, cho thấy có 5 dòng vô tính thể hiện rõ ưu thế về các mặt sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng,… đó là các dòng vô tính TD3, TD5, TD6, TD8, TD9. Đến nay, có thể khẳng định cây Cacao hoàn toàn thích nghi tốt ở tất cả các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đạt năng suất hạt khô lên men trung bình 2,4kg/cây/năm (cao hơn kỳ vọng 2,0kg/cây/năm của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT).
2. Khả năng phát triển - độ lớn vùng nguyên liệu:
Theo số liệu Ngành Nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả tỉnh có 151.878 ha cây Điều, 13.963 cây Cà phê, 17.176 ha Cây ăn trái các loại,... Đây là nhóm cây có tán che hợp lý để có thể trồng xen canh cây Cacao mà không cần phải tốn thêm quỹ đất trống để mở rộng sản xuất. Và cũng theo số liệu nội Ngành, hiện cả tỉnh có 76 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ; hệ thống sông, suối khá dày đặc với 0,8km/km2; hệ thống hồ chứa nhiều với trữ lượng nước khá dồi dào, nhất là hồ Thác Mơ, hồ Srok Phu Miêng, hồ Cần Đơn,… Với những lợi thế về tính thích nghi của cây Cacao, về quỹ đất trồng xen canh, về khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu như thế, cho phép tỉnh Bình Phước có thể mở rộng phát triển diện tích cây Cacao trồng xen canh dưới tán nhóm cây trồng thích hợp (Điều, Cà phê, cây ăn trái,…) lên đến 30.000ha và nếu khai thác tốt cả nguồn nước ngầm với trữ lượng khá dồi dào, có thể mở rộng diện tích trồng xen canh cây Cacao lên đến 60.000ha (đã được đánh giá sơ bộ năm 2005 khi thực hiện dự án ACDI/VOCA). Đây là điều kiện lợi thế đặc biệt mà không có tỉnh/thành nào trên cả nước có thể cạnh tranh được.
3. Giá cả - Thị trường tiêu thụ sản phẩm:
Trong 8 năm qua, giá hạt khô Cacao lên men liên tục tăng, từ 45.000 đồng/kg (năm 2017) lên 140.000 đồng/kg (năm 2024). Trong khi tính theo thời điểm hiện tại thì ngưỡng hòa vốn sản xuất ra 1kg hạt khô Cacao lên men chi phí mất 47.000 đồng. Với giá bán hiện tại, cho thấy cây Cacao đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân. 
Và theo dự báo của ICO trong 5 năm tới nguồn cung Cacao không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thế giới, sản lượng Cacao bị suy giảng nặng tại những nước có diện tích trồng cây Cacao lớn như:  Bờ Biển Ngà, Ghana, Indonesia, Nigeria, Cameroon, Brazil,… Bởi vì nhiều lý do, trong đó đáng chú ý nhất là do: Cây già cỗi; Mẫn cảm với các loại bệnh do nấm Oncobasidium sp., Phytophthora sp., Corticium sp.; Và do nông dân của các nước này đang chuyển sang trồng những cây khác đơn giản hơn như Cao su, Cọ dầu. Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu hạt Cacao ở nhiều nước đang tăng mạnh, đặc biệt Ấn Độ tăng hơn gấp đôi, Trung Quốc tăng gấp ba.
Với những lợi thế đặc biệt về tính thích nghi của cây Cacao, về quỹ đất trồng xen canh, về khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ tưới tiêu, về giá cả, thị trường tiêu thụ,… đã mở ra cơ hội rất tốt cho tỉnh Bình Phước có thể tận dụng để thúc đẩy phát triển Ngành hàng Cacao theo hướng hiệu quả và bền vững dựa trên sự hài hòa lợi ích của các bên tham gia, góp phần vào sự thành công chung cho Ngành Nông nghiệp và PTNT.  Chú trọng xây dựng chính sách phát triển sản phẩm trồng trọt chủ lực, đặc sản của tỉnh (trong đó có Cacao) theo đúng Kế hoạch số 31/KH-SNN ngày 08/3/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc “Triển khai thực hiện Kế hoạch số 348/KH-UBND ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu Cacao tập trung, đủ lớn tại tỉnh Bình Phước, đồng thời thu hút các Tổ chức tài trợ, các Doanh nghiệp đến đầu tư thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ Cacao của tỉnh Bình Phước./.   
Tác giả bài viết: Võ Đình Khánh, Đào Thị Bình
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây