Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mộc nhĩ

Thứ hai - 17/09/2018 23:47 1.705 0
Trồng mộc nhĩ cũng là phương pháp mà nhiều hộ gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.
Mộc nhĩ là một loài thực vật hạ đẳng, chúng không có rễ, thân, lá như cây thượng đẳng mà cơ thể của chúng là những sợi nhỏ màu trắng len lỏi trong rơm rạ, trong thân gỗ. Phần mà chúng ta thường nhìn thấy và ăn được gọi là cây nấm bản chất chính là quả thể của nấm, nó tương đương với bông hoa ỏ cây thượng đẳng, các bào tử nấm tương đương với hạt của cây thượng đẳng. Đặc tính sinh học của mộc nhĩ. Hằng năm, vào đầu mùa mưa, mộc nhĩ phát triển mạnh. Khi già, mộc nhĩ phát tán bào tử. Bào tử là những hạt màu trắng rất nhỏ. Hàng triệu bào tử bay ra, tạo thành một lớp khói bụi mờ mờ. Chúng bay theo gió và sà xuống mọi nơi. Nếu bào tử nào gặp điều kiện thuận lợi lại tiếp tục phát triển thành cây mộc nhĩ mới. Cánh mộc nhĩ là một khối keo. Tuỳ thuộc vào độ ngâm nước mà ở dạng khô hoặc ở trạng thái trương lên. Đặc biệt ở mộc nhĩ có hệ xenlulôaza rất khoẻ. Nhờ đặc tình này mà chúng ta phát triển tốt trên các nguyên liệu giàu chất xenlulô, licnhin. Như vậy, mộc nhĩ có thể trồng trên mùn cưa, thân cây gỗ, vỏ dừa, lõi ngô, rơm rạ. Mộc nhĩ không chỉ là một loại thực phẩm quý mà còn là một loại dược liệu. Nó có thể tham gia chữa các bệnh bướu cổ, máu xấu, nóng trong, tóc bạc sớm… /uploads/news/2018_09/new-picture-2_4.png Chọn mùa nhân giống phù hợp Nhiệt độ thích hợp nhất để mộc nhĩ phát triển là từ 28-32 độ C. Khi nhiệt độ lên 35 độ C hoặc xuống dưới 15 độ C thì mộc nhĩ phát triển kém và cho năng suất thấp. Nhiệt độ không khí cao hơn 32 độ C chúng ta thường quan sát thấy mộc nhĩ mọc thưa và cánh mỏng cây nhỏ và lông rất dài. Vì vậy, phải hết sức chú ý tới việc đảm bảo nhiệt độ để nuôi trồng mộc nhĩ. Tránh trồng mộc nhĩ vào những ngày mùa mà nhiệt độ không phù hợp. Đối với độ ẩm trong cơ chất trồng mộc nhĩ (ví dụ như trong thân cây gỗ, trong mùn cưa đã đóng bánh, trong rơm…) thì nên giữ khoảng 60-65%. Khô quá hoặc ẩm quá đều không tốt. Còn độ ẩm không khí của khu vực nuôi trồng mộc nhĩ thì tốt nhất giữ ở mức 90-95%. Trong giai đoạn đầu của quá trình trồng mộc nhĩ, tức là giai đoạn phát triển sợi trong cơ chất, cần đảm bảo không khí thông thoáng, tránh giữ chúng trong những nơi kín mít, bí hơi. Tới giai đoạn mọc thành cây thì chúng ta giữ cho độ thoáng ở mức vừa phải. Nếu để cho thông khí mạnh sẽ làm cho mộc nhĩ phát triển chậm, cánh mỏng, thậm chí có thể chết. Mộc nhĩ không có khả năng quang hợp như cây xanh. Tuy nhiên, trong các giai đoạn khác nhau cũng cần điều chỉnh chế độ chiếu sáng cho phù hợp với sự phát triển của nó. Thời kỳ ủ sợi, cần để chúng trong bóng tối. Tới giai đoạn cây mộc nhĩ mọc ra, nâng dần độ chiếu sáng để kích thích quá trình tạo cây mộc nhĩ. Tới khi mộc nhĩ đã mọc mạnh, giữ mức sáng ở ngưỡng trong phòng có mở cửa, chỉ nên giữ ở mức đó. Nếu cường độ ánh sáng quá mạnh thì mộc nhĩ sẽ có màu trắng nhạt và mọc kém. Vì vậy, có thể nhìn màu của cánh mộc nhĩ để điều chỉnh độ chiếu sáng cho thích hợp. Khi cánh mộc nhĩ có màu hồng thịt là tốt nhất. Môi trường thích hợp cho mộc nhĩ mọc có pH từ 4 – 12. Ở giai đoạn đầu - giai đoạn ủ sợi nó cần môi trường axit yếu. Tới giai đoạn mộc nhĩ mọc ra thì nó ưa môi trường từ trung tính tới kiềm yếu. Yếu tố này không có tính chất quyết định nhưng nó góp phần vào việc tạo ra năng suất cho mộc nhĩ. Mộc nhĩ có khả năng phát triển tốt trên rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: các loại cây gỗ (thường là các gỗ mềm, có nhựa mũ màu trắng, không có tinh dầu, không độc), mùn cưa, vỏ lạc, trấu, rơm rạ… Chính nhờ hệ men xenlulôaza rất khoẻ có trong mộc nhĩ mà chúng có thể sử dụng nguồn hydrat cacbon dồi dào có trong các chất trên. Nó đã chuyển chúng từ dạng khó tiêu sang dạng dễ tiêu mà mộc nhĩ có khả năng hấp thụ được. /uploads/news/2018_09/new-picture-3_1.png Trồng trên mùn cưa Có thể trồng mộc nhĩ trên các loại mùn cưa khác nhau. Tuy nhiên không dùng mùn cưa đã bị mốc, mùn cưa các loại cây có tinh dầu hoặc các loại cây gỗ cứng. Tốt nhất là mùn cưa cây cao su hoặc mùn cưa bồ đề. Tạo ẩm mùn cưa bằng nước sạch, ủ thành đống, che đậy bằng nilon để mùn cưa ngấm đủ nước và trương nở các tế bào gỗ. Sau 24h tiến hành phối trộn nguyên liệu theo tỷ lệ: Mùn cưa đã tạo ẩm 100kg; bột nhẹ CaCO3, 1kg hoặc vôi bột 0,5kg. Trộn thật đều nguyên liệu, kiểm tra độ ẩm đạt 65%, ủ đống 2-3 ngày sau đó tiến hành đóng túi nilon (loại túi PP) có cổ nút và nút bông. Sau khi đóng túi phải hấp khử trùng túi mùn cưa. Sau khi đã hấp chuyển túi mùn cưa ra phòng cấy giống, để nguội rồi tiến hành cấy giốn + Cách 1: Nếu sử dung giống trên hạt ta dùng que sắt khều giống từ trong lọ thuỷ tinh hoặc túi nilon sang túi mùn cưa lắc đều lên trên bề mặt túi. Tỷ lệ giống cấy 1,2% so với trọng lượng túi mùn cưa. Có nghĩa là cứ một túi mùn cưa có trọng lượng 1,2-1,4kg ta cấy 12-15g giống nấm (một chai giống cấy 30-40 túi). + Cách 2: Nếu dùng giống mộc nhĩ cấy làm trên que gỗ ta dùng panh vô trùng kẹp nhẹ từng que giống chuyển sang các lỗ cấy giống đã dùi từ trước trong túi mùn cưa. Mỗi túi mùn cưa lấy một que giống, đầu trên của que giống sát với lề mặt túi mùn cưa là vừ phải. Sau khi cấy giống ta nút miệng túi bằng nút bông và chuyển vào phòng ươm sợi. Nơi ươm sợi tốt nhất là một phòng sạch sẽ, có hệ thống cửa ra vào và có giàn nhiều tầng để tăng diện tích sử dụng, có thể làm 4-5 tầng trên một giàn và mỗi tầng cách nhau 50cm. Kiểu giàn như giàn giữ giống khoai tây. Nhiệt độ phòng ươm sợi thích hợp nhất là 25-30 độ C. Không cần ánh sáng. Thời gian ươm sợi kéo dài từ 20-25 ngày. Ta sẽ thấy các sợi nấm màu trắng lan dần từ trên xuống hoặc từ trong ra. Tới khi nào sợi nấm lan gần kín đáy, trông túi mùn cưa có màu trắng như sợi bông là đạt yêu cầu. Khi mộc nhĩ bắt đầu mọc, chuyển chúng sang khu vực chăm sóc, có thể xếp trong nhà lán trại hoặc làm giàn treo. Khi mộc nhĩ bắt đầu mọc, phải tưới nước và tưới liên tục. Mỗi ngày tưới 2-3 lần. Cách tưới tốt nhất là dùng bình bơm và phun sương lên mặt túi. Chăm sóc tốt sau vài ngày mộc nhĩ sẽ đạt kích thước đủ lớn ta tiến hành thu hái. /uploads/news/2018_09/new-picture-4.png Trồng mộc nhĩ trên thân cây gỗ Có rất nhiều loại gỗ có thể trồng mộc nhĩ. Tuy nhiên, các loại gỗ có mũ màu trắng, thân gỗ mềm xốp, không độc, không có tinh dầu thì có thể trồng mộc nhĩ tốt. Chúng là những đối tượng rất quen thuộc như: sung, vả, mít, ngái, bồ đề, đa búp đỏ, si, dâu da xoan, so đũa, cao su… Thậm chí thân cau, thân dừa, cũng trồng mộc nhĩ được. Cây gỗ sau khi chặt được cắt thành từng đoạn 1,2-1,5m, nhúng hai đầu đoạn gỗ vào dung dịch nước vôi đặc để ngăn chặn mốc bệnh phát triển. Loại bỏ các đoạn gỗ đã bị nấm mốc hoặc sâu bệnh đã phá bên trong, chất gỗ khoảng một tuần lễ để gỗ chảy bớt nhựa. Dùng búa hoặc các dụng cụ đã giới thiệu ở trên để tạo lỗ trong thân cây gỗ. Mỗi lỗ cách nhau 12-15cm sâu độ 2,0-2,5cm. Các hàng lỗ cách nhau 7-8cm nên so le. Lưu ý các lỗ cần cách mép đoạn gỗ 5-7cm. Tra giống vào trong các lỗ. Mỗi lỗ cho khoảng 2/3 chiều sâu (lượng giống ở trong mỗi lỗ bằng 2/3 hạt ngô). Dùng các phoi gỗ đậy lên và có thể hoà xi măng đặc vừa phải quét lên các mặt lỗ đã được lấp kín bởi phoi gỗ. Làm như vậy để tránh các loại nấm, mốc khác xâm nhập vào trong cây. Mặt khác, ngăn không cho kiến đào, bới, cũng cần dùng đất sét mới khai thác miết vào miệng lỗ. Sau khi tra giống ta xếp vào nhà ươm. Kê gạch để gỗ cách nền độ 15-20cm và xếp theo hình khối cao tới 1,5m. Trên cùng, phủ các bao tải hoặc chiếu cũ đã chuẩn bị từ trước và được làm ướt. Nhiệm vụ hàng ngày lúc này là tưới đủ ẩm lớp bao tải phủ ngoài đống ủ. Lưu ý tránh tưới nhiều nước làm cho chúng ngấm xuống đống ủ và thấm vào cây gỗ, làm giống chết do sũng nước trong các lỗ. Khoảng 15-20 ngày đảo lại đống ủ cho đều và kiểm tra xem giống mộc nhĩ có mọc loang ra hay không. Những cây gỗ có nấm mộc nhĩ mọc tốt được xếp lại và ủ tiếp 15-20 ngày nữa. Sau giai đoạn này nấm bắt đầu mọc ra. Khi mộc nhĩ mọc, chúng sẽ phát triển khắp xung quanh thân gỗ vì giống đã mọc loang khắp nơi. Cây con mọc lên đốm trắng, chi chít và sần sùi như da cóc. Chuyển các đoạn gỗ này ra khu vực khác, lưu ý để nơi tiện việc tưới nước, chăm sóc, thu hái. Việc thu hái tiến hành bình thường như trong tự nhiên, chọn những cây to, mép xoăn (biểu hiện đã già) ta hái trước. Những cây nhỏ để lại, chúng sẽ lớn dần lên. Quá trình thu hái kéo dài khoảng 6-8 tháng liên tục. Cứ khoảng 15-20 ngày tiến hành đảo gỗ một lần. Đảo đều đều trên xuống dưới, đầu dưới lên trên, đảo trong ra ngoài, ngoài vào trong… Làm sao độ ẩm đồng đều cho mọi phía khúc gỗ và cả đống gỗ. Cần điều chỉnh ánh sáng sao cho cây mộc nhĩ có màu nâu sẫm là tốt nhất. Thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ nền nhà và khu vực xung quanh nơi chất gỗ. Nguồn nước tưới hàng ngày phải dùng nước sạch, nếu dùng nước bẩn để tưới sẽ phát sinh bệnh tật hại nấm. Trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao./.
Tác giả bài viết: BBT
Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây