Sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thứ hai - 13/06/2022 22:36 808 0
Trong lần chia sẻ với báo chí về xuất khẩu sầu riêng, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, các thủ tục để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được hoàn tất, chỉ chờ ngày chính thức thông qua nghị định thư. Ban Biên tập xin gửi đến bạn đọc toàn bộ chia sẻ của Cục Trưởng cục BVTV.
Theo Cục trưởng Hoàng Trung, Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cụ thể là Cục Kiểm dịch thực vật hoàn thiện các thủ tục để ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu quả sầu riêng. "Hiện nay, tất cả hồ sơ kỹ thuật, cả nội dung tiếng Anh, tiếng Việt của nghị định thư này đã được phía Việt Nam hoàn tất và gửi đi Trung Quốc, chỉ chờ phía bạn thống nhất, hoàn thành thủ tục và đề xuất ngày, giờ để 2 bên ký kết nghị định thư". Nghị định thư này có thể được ký kết theo nhiều hình thức, có thể trực tuyến hoặc có thể Trung Quốc ký trước rồi gửi sang Việt Nam để hoàn thiện rồi gửi lại cho phía bạn. Sau khi ký kết, quả sầu riêng có thể chính thức được xuất khẩu đi Trung Quốc.
PGĐ Sở Lê Thị Ánh Tuyết cùng Tập đoàn Lộc Trời đi khảo sát các vườn sầu riêng tại Bù Đăng để phục vụ xuất kkhẩu
Cục trưởng Hoàng Trung cho biết thêm "Riêng với sầu riêng, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tốn rất nhiều thời gian cho loại trái cây này. Các cơ sở đóng gói cũng như vùng trồng đại diện của Việt Nam đã được phía Trung Quốc lựa chọn kiểm tra”. Tổng số các mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói và các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cũng đã được Cục BVTV thống kê gửi cho phía Trung Quốc. Cục cũng cử các đoàn công tác xuống địa phương nơi có sản phẩm để tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật để sẵn sang phục vụ cho xuất khẩu. Những điều kiện cần thiết chúng ta đều đã hoàn thành như tên doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng điều quan trọng hiện nay là người dân trồng sầu riêng phải hiểu được cần đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra. Chúng ta cần bảo đảm rằng, sản phẩm từ những mã số vùng trồng đã đăng ký sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định, khi ra khỏi vườn sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đã được phổ biến đến người dân và doanh nghiệp, có thể thu gọn bằng 3 yêu cầu cơ bản, đó là có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.
Hiện nay, Cục BVTV đã phổ biến rất kỹ càng những yêu cầu này tới người dân và doanh nghiệp sản xuất sầu riêng, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn gì thì các cơ quan chuyên môn như Cục BVTV sẵn sang lắng nghe và hướng dẫn xử lý. Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật ở các nơi khi có hàng hóa đến cần kiểm tra xuất xứ của hàng hóa có đúng mã số hay không, bao bì nhãn mác có đúng quy định hay không và có đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật hay không. Quá trình này sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh chóng nhất, thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian nhất để doanh nghiệp có thể sớm đưa hàng sang Trung Quốc.
Chia sẻ thêm về công tác xuất khẩu nông sản, ông Hoàng Trung khẳng định, muốn xuất khẩu được phải có mã số vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói: "Đây là các điều kiện cơ bản trong nhiều điều kiện của kiểm dịch thực vật trước khi đưa các loại cái trây ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Yêu cầu này không chỉ của thị trường Trung Quốc mà hiện nay đa phần các quốc gia nhập khẩu đều đưa ra". Chính vì vậy, để phục vụ cho xuất khẩu các cây trồng chủ lực của Việt Nam, trong nhiều năm qua, Cục BVTV đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm chuẩn mực hóa các hồ sơ và có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT để phân cấp 90% công việc này cho các địa phương.
Từ đó, các địa phương chủ động theo hướng dẫn của Cục BVTV, kiểm tra, đánh giá các vùng trồng, các cơ sở đóng gói theo các tiêu chí đã có và cập nhật gửi về Cục trước khi Cục hoàn tất khâu cuối cùng gửi các quốc gia để công nhận. Sau khi được các quốc gia công nhận, Cục BVTV sẽ trả lại mã số cho các doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp tục duy trì các mã số này, chứ không phải chỉ cấp xong rồi thôi. Do đó, Cục BVTV luôn khuyến cáo các doanh nghiệp, người dân khi đã được cấp mã số vùng trồng thì cần sản xuất đảm bảo bền vững, không chỉ cho 1, 2 chuyến hàng mà mục tiêu là nguồn nguyên liệu phải được duy trì qua nhiều năm, đáp ứng tốt cả về chất lượng cũng như yêu cầu kỹ thuật về kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Theo ông Hoàng Trung, sau một thời gian dài, làm việc trực tiếp với các địa phương thì Cục BVTV nhận ra rằng, những địa phương mà lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn quan tâm thì sẽ làm rất tốt. Sản phẩm của họ rất tốt, ít khi vi phạm, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được duy trì về chất lượng và mở rộng về quy mô. Do đó, có thể nói cần có sự quan tâm đúng mực và đầu tư đích đáng của địa phương để duy trì những mã số, cơ sở đã được công nhận và sau đó là mở rộng về quy mô.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ với người dân vì có những mã số vùng trồng không chỉ của 1 hộ và có nhiều hộ cùng tham gia. Doanh nghiệp khi đó cần đóng vai trò điều phối, kêu gọi người dân cùng liên kết lại cùng sản xuất trên 1 mã số vùng trồng, thậm chí cần cắt cử người xuống cùng làm với bà con.
Với các cơ quan chuyên môn, ông Hoàn Trung lưu ý cần quan tâm, chú ý đến người nông dân và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu. Ở những địa phương mà Sở NN&PTNT cũng như các Chi cục Trồng trọt, BVTV.
Tác giả bài viết: Phạm Bích Hiên
Nguồn tin: Bộ phận PTNT-Văn phòng Sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây