NGÀNH NÔNG NGHIỆP & PTNT BÌNH PHƯỚC- MỘT GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Thứ sáu - 23/01/2015 04:48 1.337 0
Sau 05 năm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ĐH ngày 01/10/2010 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ IX; Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 22/2/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 tỉnh Bình Phước, ngành Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Kế hoạch số 241/KH-SNN ngày 11/9/2009 kế hoạch ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011-2015.
Trong giai đoạn 2011 – 2014 sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh Bình Phước luôn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành (Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá cố định năm 1994) bình quân năm tăng 6,73% , đạt cao hơn so với nghị quyết đề ra (Nghị quyết tăng 5-6%)). Cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (Cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi tuy chưa đạt mục tiêu đề ra cụ thể như sau: Trồng trọt 88,74%; Chăn nuôi 10,99%; Dịch vụ 0,27%. So với năm 2010 tỷ trọng là: Trồng trọt giảm (88,74%/89,83%), chăn nuôi tăng (10,99%/10%), dịch vụ tăng (0,27%/0,17%). Trồng trọt đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng chủ lực; chăn nuôi phát triển khá, một số loại gia súc, gia cầm phát triển đạt và vượt mục tiêu quy hoạch đề ra, tỷ lệ chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp, bán công nghiệp đạt cao so với mục tiêu quy hoạch. Qua 04 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% các xã hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch và đề án nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 01 xã (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM và được xét công nhận đạt xã NTM vào quý II/2014). Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89%, bình quân mỗi năm tăng 1% so với năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm giai đoạn 2011-2014 có xu hướng giảm, do một số diện tích cây hàng năm trồng xen trong các vườn cây lâu năm, nhưng nay đã khép tán nên không trồng được nữa. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng tăng cao (phân, giống, nước tưới tiêu, công chăm sóc) nên người dân chuyển đổi sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, diện tích lúa luôn ổn định từ 13.000 ha-14.000 ha; Cây rau, thực phẩm tập trung phát triển quy hoạch sản xuất các vùng rau tập trung, đảm bảo cơ bản nhu cầu rau của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với cây lâu năm tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh lớn về cây công nghiệp như cao su, Điều, Tiêu. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm, cây ăn quả tăng 50.874 ha so với năm 2010, như: Cây điều: Giai đoạn 2011-2014 do thời tiết khí hậu không thuận lợi, tình hình giá cả biến đổi, lợi nhuận từ cây điều không còn hấp dẫn nên người dân chuyển đổi một số diện tích trồng điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn vì vậy diện tích trồng điều không ổn định qua các năm. Đến năm 2014 diện tích trồng cây điều đã giảm 21.535 ha so với năm 2010. Tuy nhiên, do áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên sản lượng tăng 51.753 tấn so với năm 2010; Cây cao su tăng 67.844 ha so với năm 2010, sản lượng tăng 87.560 tấn so với năm 2010; diện tích cây tiêu tăng 2.100 ha, sản lượng giảm 236 tấn so với năm 2010; Cây ăn quả giảm 741 ha so với năm 2010 do người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển với tốc độ khá để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về thịt, trứng trong tỉnh đang tăng nhanh. Bên cạnh thực hiện đạt kết quả các chương trình nạc hóa đàn heo, sind hóa đàn bò, các vùng chăn nuôi quy mô trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh hiệu quả chăn nuôi tăng khá cao. Tuy một số ổ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, bệnh tai xanh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra nhưng nhờ làm tốt công tác thú y nên đã khống chế triệt để ở diện hẹp, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển, vẫn có tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện: Đàn heo: 260.133 con, tăng 29,57% so với năm 2010; Đàn trâu, bò: 41.584 con, giảm 49,86% so với năm 2010; Đàn gia cầm: 4.290 ngàn con, tăng 63,07% so với năm 2010. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.960 ha, giảm 14,5% (giảm 334 ha) so với năm 2010. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 5.127 tấn, giảm 29,9% (giảm 1.799 tấn) so với năm 2010. Diện tích nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011-2014 giảm do lợi nhuận từ việc trồng cao su lớn, cộng thêm nghề nuôi thủy sản còn manh mún nhỏ lẻ nên sản phẩm nuôi thủy sản thường bị các thương lái ép giá, do đó một số ao nuôi cạn nước vào mùa khô đã lấp dần ao để chuyển sang trồng cao su. Bên cạnh đó một số khu vực nuôi ao thuộc huyện Chơn Thành nguồn nước bị ảnh hưởng do các khu công nghiệp phát triển nên một số hộ dân không nuôi thả cá. Công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp tại các xã có rừng lực lượng kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho Ban BVR các xã thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia BVR, PCCCR, nhất là vào các tháng cao điểm mùa khô. Đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh thực hiện cảnh báo nguy cơ cháy rừng, hướng dẫn công tác PCCCR tại các xã và các lâm phần trọng điểm. Giai đoạn 2011-2014 giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên 33.030 ha; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 115 ha. Từ năm 2011 đến năm 2014, đã thực hiện cấp phát 149.987 cây cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, gồm các loài cây là Dầu rái, Sao đen, Xà cừ, Gõ đỏ thực hiện trồng cây lâm nghiệp phân tán. Trong lâm nghiệp, việc trồng rừng sản xuất được đẩy mạnh nhờ chính sách chuyển đổi rừng từ rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng trồng các loại cây đa mục đích, chích sách thuê đất rừng sản xuất trồng cao su… Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 63,98% vào năm 2014 (Trong đó rừng tự nhiên và rừng trồng đạt 23,19%). Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho những hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc đã tạo thêm nguồn lực từng bước cải thiện cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo chuyển biến về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có thu nhập cao, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân một cách bền vững, giảm chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Đã tổ chức được 41 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.670 lượt người tham dự và 127 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 5.115 lượt người tham dự. Hỗ trợ thực hiện 75 mô hình sản xuất, trong đó: 13 mô hình chăn nuôi gà thịt, 09 mô hình trồng ca cao trong vườn điều, 10 mô hình chăn nuôi gà thịt bán thả vườn an toàn sinh học, 10 mô hình ứng dụng biện pháp sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh và tăng năng suất vườn điều, 12 mô hình nuôi cá ghép trong ao, 08 mô hình trồng rau an toàn. Bên cạnh đó, Ngành còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện được 15 mô hình trình diễn với 592 hộ được hưởng lợi trực tiếp mô hình, dự án. Tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với khoảng 6.800 người với tổng số người có việc làm sau đào tạo khoảng 5.400 người, với các nội dung đào tạo như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; Kỹ thuật trồng điều; Kỹ thuật trồng thâm canh và bảo quản hồ tiêu; Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho heo; Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò... Nhìn chung, qua 5 năm ngành Nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng cao, ổn định trong một thời gian dài, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Năng suất bình quân còn thấp so với tiềm năng và chênh lệch đáng kể giữa nhóm sản xuất có năng suất cao và năng suất thấp, phát triển chủ yếu chiều rộng chưa đi vào chiều sâu. Tuy đã hình thành được các vùng chuyên canh lớn về cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu và có những sản phẩm chủ lực tạo thế mạnh cho tỉnh về xuất khẩu và có cơ sở để đáp ứng các tiêu chuẩn trong nông nghiệp nhưng vẫn còn nhiều bất cập như việc phát triển chưa đúng quy hoạch. Do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nên nông dân chưa quan tâm đến thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hay các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp cao như Lobal Gap, VietGap và xuất xứ sản phẩm; Sản phẩm xuất khẩu chỉ là sản phẩm thô, đầu tư chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng chỉ có khoảng 5% nông sản xuất khẩu là những sản phẩm tinh chế. Vì vậy, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp thấp. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất như: Điện chỉ đáp ứng được điện sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất, bơm tưới còn thiếu về mạng lưới và công suất; đường giao thông chỉ mới đầu tư đến trung tâm xã chưa đến tận vùng sản xuất; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến như kho tàng, sân phơi, bến bãi,…còn kém phát triển, công nghiệp chế biến nông sản có quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu nên chất lượng nhiều loại nông sản thấp, nhất là chế biến cao su và hạt điều, sản phẩm chăn nuôi. Đầu tư cho thủy lợi còn thấp chưa đáp ứng về yêu cầu thâm canh và chuyển dịch cơ cấu trong cây trồng vật nuôi. Kỹ thuật tưới chưa được quan tâm đầu tư. Công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thật sự bền vững. Mặc dù phá rừng trái pháp luật đã giảm qua các năm (năm 2014 chỉ có 1,86 ha rừng bị phá) tuy nhiên vẫn còn xảy ra; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép chưa giảm, đặc biệt tình trạng chặt cây rừng non làm nọc tiêu giả hết sức phổ biến, phức tạp đã làm giảm chất lượng rừng. Tình trạng sử dụng đất vẫn còn chưa hợp lý nhiều diện tích đất trồng cây hàng năm được chuyển sang trồng cây lâu năm trong khi điêu kiện thích nghi của đất hạn chế như việc trồng cây cao su trên đất trồng lúa…
Tác giả bài viết: Nguyễn Nhật Tuyền-Phòng Kế hoạch
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây