Bài dự thi: Bác Hồ đến thăm trại trẻ Kim Đồng

Thứ ba - 20/05/2014 17:34 18.882 0
Mỗi chúng ta, ai cũng biết câu nói hết sức nổi tiếng mà vô cùng giản dị của Hồ Chủ tịch lúc sinh thời: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Suốt cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Bác luôn dành sự quan tâm ưu ái cho các cháu thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là với các bạn nhỏ kém may mắn. Mẫu chuyện nhỏ được Sơn Tùng ghi lại nhân dịp trại trẻ mồ côi Kim Đồng thuộc tỉnh Thái Bình may mắn được đón bác về thăm vào mùa thu năm 1967 thực sự đã đem đến cho tôi sự xúc động về tình yêu thưởng trẻ em của Bác.
Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu ở trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như một nhà tù thế này? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai của các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui hơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn – Bác hỏi cán bộ phụ trách trại – còn thế nào, các cô, các chú biết không? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp: - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu mồ côi, điều lớn nhất là phải bù đắp tình thương. Các cháu đã không còn bố mẹ, thì các cô, các chú ở đây là bố, là mẹ của các cháu. Các cô, các chú nuôi dạy các cháu thì phải đem cả tấm lòng làm mẹ, làm cha mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo. Bác thấy ở đây, đối với các cháu, còn cái vẻ “trại lính”, thiếu cái ấm cúng của gia đình. Dạy cho các cháu vào khuôn phép, sống có kỷ luật, trật tự là đúng. Nhưng không được để các cháu mất cái hồn nhiên, mất cái vui tươi, thoải mái. Đừng biến các cháu thành các “ông cụ non”. Các cô, các chú phảI làm sao cho các cháu thấy trại Kim Đồng là gia đình của các cháu, đi xa các cháu nhớ, lúc ở nhà các cháu vui. Được như vậy thì cần gì phải rào dây thép gai, phải canh phòng nghiêm ngặt với các cháu? * Bác khen, chê thật đúng lúc. Khen là khen cái sự gọn gằng, ngăn nắp và chê là chê trại còn mang dáng dấp “trại lính” và “thiếu cái ấm cúng gia đình”. Bác đã thấu hiểu nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi, đó là thiếu tình yêu thương, sự chở che, vỗ về, dạy bảo của cha mẹ, thiếu miếng ăn, giấc ngủ, thiếu những phần quà trong mỗi sớm mỗi chiều, thiếu những bộ quần áo xinh xinh khi tết đến, xuân về, thiếu những cánh diều tuổi thơ và thiếu cả hơi ấm của người thân khi trái gió trở trời…Cha ông ta đã từng nói “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Ở đây, sự bất hạnh của các cháu lại bị nhân đôi, các cháu đã không có cha lại không có mẹ, quả thực “Còn cha gót đỏ như son, không cha không mẹ như đàn đứt dây”. Sự bám víu cuối cùng của các cháu ở đây là tấm lòng của các cô, các chú. Các cô, các chú ở đây là bố, là mẹ của các cháu. Các cô, các chú nuôi dạy các cháu phải đem cả tấm lòng làm cha, làm mẹ mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo. Lời nói của bác sao mà chân thực, gần gũi quá. Nó mộc mạc như mắm, muối, tương cà nhưng lại vô cùng thiết tha và sâu sắc. Lời nói ấy vừa là sự nhắc nhở, vừa là lời động viên, vừa là mệnh lệnh không chỉ dành riêng cho các cô, các chú đang công tác ở trại Kim Đồng. Trở lại với câu chuyện, Bác lại hỏi: - Những cháu kém có nhiều không? - Thưa Bác, còn nhiều lắm ạ. - Nhiều là bao nhiêu? Đồng chí phụ trách hơi bối rối. Bác nói ngay: - Quản lý các cháu thì cần biết cụ thể từng cháu một, biết chắc chắn cái dở, cái hay của mỗi đứa. Có như vậy thì dạy mới có kết quả tốt. Bác bảo chú Thuận đứng lên: - Cho Bác gặp cháu nào kém nhất trại. Em Quốc đứng khoanh tay trước mặt Bác, Bác cúi xuống vuốt ve nhè nhẹ tóc em. Bác hỏI: - Tên cháu là gì? - Thưa Bác tên cháu là Quốc lủi ạ! Bác nhìn em, ái ngại: - Ai đặt cho cháu cái tên ấy? - Dạ thưa, các bạn gọi cháu thế ạ. - Vì sao các bạn gọi cháu là Quốc lủi? - Thưa Bác… Cháu… Cháu hay trốn trại. Cháu chui qua hàng rào, lủi vào các ngõ phố ạ. - Sao cháu không chịu ở trong trại mà lại trốn ra bên ngoài? - Thưa Bác… ở trong trại khổ cực lắm ạ. - Khổ cực như thế nào? - Dạ chúng cháu bị gò bó đủ thứ ạ. - Cháu nói rõ sự gò bó cho Bác nghe nào? - Thưa Bác… Quốc nhìn Bác Hồ mà nước mắt trào ra, nghẹn ngào không nói lên lời. Bác xoa đầu em, Bác đã hiểu thấu tất cả, dù em chưa nói ra được những điều muốn thưa với Bác. Bác khuyên Quốc: “Từ nay cháu phải phấn đấu bỏ cái tên “lủi”, giữ lại cái tên Quốc…”. Nước mắt càng giàn giụa trên hai má Quốc. Bác Hồ cầm tay em Quốc đi ra chỗ cả trại đang tập hợp đón đợi Bác. Bác thân mật kể cho các em nghe một số gương tốt của thiếu nhi trong kháng chiến chống Pháp, gương tốt của thiếu nhi ở Liên Xô và các nước bạn. Các em đã không cầm được nước mắt khi nghe Bác kể về thời niên thiếu của Bác, Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần áo mới để mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời. Bác căn dặn các em như ông dặn cháu: - Các cháu phải vâng lời các cô, các chú phụ trách. Thiếu nhi thì phải ngoan, phải thật thà, lễ phép với người lớn, kính trọng người già, giúp đỡ người tàn tật yếu đau. Các cháu ở trong tập thể với nhau càng phảI thương yêu nhau như anh chị em ruột thịt. Và phải dũng cảm sửa chữa những khuyết điểm, những thói hư tật xấu để lớn lên làm người chủ của đất nước, đừng để mình là cái gánh nặng của xã hội… Rồi Bác bảo: - Các cháu có hứa làm được điều Bác căn dặn không nào? Một tiếng “có” vang lên, đều khắp và sôi nổi. Bác còn dặn thêm các em là noi gương dũng cảm của liệt sĩ Kim Đồng trong học tập và rèn luyện, em nào đạt kết quả tốt, được ban phụ trách báo lên Bác, Bác sẽ gửi phần thưởng. Và Bác thân mật hẹn: “Nếu cả trại cùng tiến bộ vượt bậc, Bác sẽ còn về thăm các cháu nhiều lần nữa”. Ngày hôm ấy, Bác đã để lại rất nhiều quà để chia cho các em. Nhận phần quà của Bác cho, nhiều em đã không ăn, cất làm kỷ niệm. Từ hôm đó trong từng đôi mắt của các em, ngời lên niềm vui nhận quà Bác. Em Quốc không lủi ra ngoài trại nữa mà giữ gìn mình như giữ gìn kỷ niệm của Bác trong trái tim. 3. Ý nghĩa: Câu chuyện xảy ra đã lâu, nhưng tình yêu thương của Bác vẫn bao trùm khắp non sông đất nước Việt Nam, vẫn sưởi ấm con tim của triệu triệu đồng bào Việt Nam. Quả thật, qua câu chuyện này, Bác đã dạy chúng ta biết thế nào là tình yêu thương thật sự. Giờ đây, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, trẻ em được chăm lo trong tình thương yêu của gia đình và xã hội. Nhưng đâu đó trong sự xô bồ của cuộc sống ta vẫn bắt gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, nhiều bạn trẻ không nơi nương tựa đang rất cần “tình thương yêu thật sự” của chúng ta. Chúng con, thế hệ trẻ Việt Nam xin hứa với Bác sẽ cố gắng là bờ vai cho những mảnh đời bất hạnh, những trẻ em nghèo không nơi nương tựa, để góp sức cùng với Đảng và Nhà nước xây dựng một đất nước Việt Nam ấm no, hạnh phúc. Để thay cho lời kết, tôi xin được mượn một đoạn thơ của nhà thơ Chế Lan Viên khi viếng Bác để tỏ rõ lòng biết ơn, kính trọng của mình đối với Người: “Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc Mỗi buổi sáng nhìn lòng ta, ta thấy Bác Nước mắt tràn ra ta cảm hết ơn sâu”.
Tác giả bài viết: Đỗ Thị Minh Huyền
Nguồn tin: Bộ phận PTNT-Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây