Trích chuyện kể "Hành trình tìm đường cứu nước" của Nguyễn Ái Quốc

Thứ ba - 17/06/2014 03:18 46.059 0
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên 15 tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào.
Nghiên cứu những bài học lịch sử của các bậc cha, anh và khảo nghiệm trong thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng mọi cách thức tiến hành ở trong nước, hay đi ra nước ngoài, sang Trung Quốc, hay Nhật Bản đều không thể thành công. Những con đường mà các bậc sĩ phu đã đi đều bị kết thúc bằng những thất bại đau đớn. Phải tìm con đường khác, con đường mới; phải đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác. Đó là kết luận rất quan trọng của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước mãnh liệt và một cách suy nghĩ táo bạo, một trí tuệ hết sức minh mẫn quyết khám phá bằng được con đường đi đến giải phóng cho đồng bào. Tư tưởng quyết hướng sang nước Pháp tìm đường cứu nước sớm nảy sinh ở anh Nguyễn Tất Thành. Tháng 5 năm 1909, Nguyễn Tất Thành từ giã Huế theo cha vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhận chức tri huyện ở đó. Để tiếp tục việc học tập, từ tháng 9 năm 1909, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng. Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông. Thầy Thành được phân công dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ cho học sinh lớp nhì. Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy đã trao đổi tâm tư về thân phận người dân mất nước nhiệm vụ cứu nước của mỗi người dân Việt Nam, trước hết là thanh niên có học thức với các thầy giáo và học sinh. Vấn đề thầy Thành đặt ra cũng là nỗi băn khoăn chung của thầy và trò, nên đã có ngay được sự đồng cảm sâu sắc, cùng nhau đào sâu chí căm thù và bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc, bày mưu tính kế đánh đuổi quân thù. Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành rời trường đi vào Sài Gòn, thực hiện hoài bão từng nung nấu là tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây để xem "họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta". Trước ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bàn với một người bạn thân về chuyến đi ra nước ngoài. “Anh Lê, anh có yêu nước không?” Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!” “Anh có thể giữ bí mật không?” “Có”. “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?” “Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?” “Đây, tiền đây” – Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay – “Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?” Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh Thành, anh Lê đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, anh Lê đã không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Ngày 2 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Mác Xây, Pháp. Ông Mai ở Hải Phòng – một nhân viên cũ trên chuyến tàu ấy kể lại rằng: Một buổi trưa, một người trai trẻ lên tàu. Sau một phút ngập ngừng, anh ta hỏi xin việc. Chúng tôi trả lời là không có việc và có chăng nữa, chúng tôi cũng không có quyền nhận anh ta. Chúng tôi cười vì chàng trai có vẻ một anh học trò, không phải là người lao động như chúng tôi. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Một người như thế có thể làm được công việc gì trên tàu?”. Tôi không hiểu tại sao tôi thấy thương hại anh ta và tôi nói: “Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho anh làm”. Chủ tàu hỏi: “Anh có thể làm việc gì?” “Tôi có thể làm bất cứ việc gì!” – Chàng trai trả lời. “Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc”. Chàng trai ấy xưng tên là Ba. Vì tôi đã giúp anh ta việc nhỏ ấy, cho nên anh ta rất thân với tôi, và cũng vì anh ta rất dễ mến tôi cũng rất thân với anh ấy. Việc gì tôi làm được là tôi cố làm để giúp anh ta, vì anh ta chưa biết gì cả. Vả lại, anh ấy có can đảm và nhẫn nại. Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá v.v. Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành. Xong công việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày. Nhà bếp lo cho bảy, tám trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn nghe tiếng: “Ba, đem nước đây!” “Ba, dọn chảo đi!” “Ba, thêm than chỗ này, thêm than chỗ kia!” Suốt ngày, anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc. Vậy là, ngày 3 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn Ba. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 là ngày Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc. Người thanh niên 21 tuổi ấy ra đi với mục đích gì? Để kiếm kế sinh nhai, hay để thỏa mãn một ước mơ xa lạ nào đó của tuổi trẻ. Điều đó, hơn mười năm sau chính anh đã trả lời nhà báo, nhà thơ Nga ÔXip Mandenstan rằng: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Câu chuyện ngắn gọn, nhưng là một hình ảnh mang tính biểu trưng rất đậm nét về tinh thần lao động của người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ kính yêu của chúng ta); ẩn đằng sau hành động ấy, là cả một tấm lòng yêu nước thiết tha, một ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, quyết chí đi tìm con đường giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, mà bao đời nay các bậc cách mạng tiền bối vẫn chưa làm được. Đây là bài học nghị lực, can đảm quyết tâm trong mọi việc, mọi cảnh, bài học bền chí, nhẫn nại, khắc khổ trong gian lao hằng ngày; bài học nêu gương thiết thực về ý chí tự lực tự cường, tấm lòng yêu nước sâu sắc của Bác Hồ mà chúng ta cần phải học tập. KỂ CHUYỆN VỀ BÁC HỒ BÀI DỰ THI: LÊ NGỌC DUNG
Tác giả bài viết: Lê Ngọc Dung
Nguồn tin: Báo điện tử người chăn nuôi:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây