Bài viết tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm giải phóng Lộc Ninh (07/4/1972-07/4/2022)

Thứ hai - 21/03/2022 04:02 314 0
Lộc Ninh là huyện miền núi, biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, đường biên giới dài hơn 100km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, nơi có ba con sông là: Sông Măng, Sông Bé, Sông Sài Gòn chảy qua. Nguồn nước phong phú, thời tiết của vùng nhiệt đới đã làm tăng thêm độ phì nhiêu của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng các loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như: cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn trái... Lộc Ninh còn là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Di tích lịch sử nhà giao tế (trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam); Sân bay quân sự Lộc Ninh; Căn cứ quân ủy Bộ tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (Tà Thiết); Kho xăng dầu VK99 (Lộc Hòa) và Kho xăng dầu VK98 (Lộc Quang).
Lộc Ninh cũng là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi, quốc lộ 13 nối liền TPHCM đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư qua Campuchia, Lào và Thái Lan. Nhiều con đường ở Lộc Ninh ngày nay từng là những nhánh trong hệ thống đầu mối giao liên, vận tải của con đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điều kiện tự nhiên, sông suối, thổ nhưỡng, khí hậu và hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo nên tầm quan trọng về mặt chiến lược của địa bàn Lộc Ninh trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay. Đây là những điều kiện thuận lợi cơ bản được huyện Lộc Ninh tập trung khai thác để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Lộc Ninh ngày càng giàu đẹp.
Qua các di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở các xã Lộc Khánh, Lộc Thắng có thể khẳng định rằng từ thời các Vua Hùng dựng nước, tương ứng với thời kỳ phát triển của nền văn hóa Đông Sơn (2.500-3.000 năm trước) Lộc Ninh đã có con người cư trú. Đó là một vài nhóm thuộc người Indonésien cổ nói tiếng Môn - Khrme, tổ tiên của người S'tiêng, Mạ, M'nông, Khmer hiện nay.
Nhân dân Lộc Ninh có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong lao động sản xuất và chiến đấu. Quân và dân Lộc Ninh đã viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trãi qua bao nhiêu mất mát đau thương nhưng nhờ đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta sớm đến với Lộc Ninh từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Các nghị quyết của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng đã được vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể ở địa phương, phát huy được sức mạnh tổng hợp, khơi dậy được truyền thống cách mạng, huy động được sức lực và trí tuệ đã làm nên chiến thắng Chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh vào ngày 07/4/1972. Chiến thắng này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng – Một thời kỳ mới đã bắt đầu, Lộc Ninh trở thành Thủ phủ của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam Bộ, căn cứ địa của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đánh dấu một quá trình đấu tranh cực kỳ gian khổ hy sinh của nhân dân ta đã phá tan bức tường thép kiên cố ở vùng biên giới, bảo vệ cửa ngõ Sài gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy, tạo điều kiện để chính phủ cách mạng lâm thời xây dựng vùng căn cứ nối liền hậu phương lớn XHCN với tiền tuyến lớn làm nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh và các binh đoàn chủ lực xuất kích tấn công vào Sài gòn, giải phóng Miền Nam, nơi địch đã thất bại thảm hại cũng chính là nơi địch phải trao trả những chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng từ ngục tù Côn Đảo, Chí Hòa, Phú Quốc trở về. Đó là thắng lợi của truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, ngoan cường, thắng lợi của tinh thần quả cảm và sự mưu trí, sáng tạo. Là thắng lợi của sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân các dân tộc, các tôn giáo trong quá trình chiến đấu, lao động và trưởng thành.
Sau ngày giải phóng, do hậu quả của chiến tranh để lại, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, các hoạt động phá hoại về quân sự, về chiến tranh tâm lý của địch thường xuyên diễn ra có lúc vô cùng ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Nhân dân huyện Lộc Ninh luôn kiên trì, dũng cảm đánh thắng địch cả trên không và dưới đất, giữ vững an ninh chính trị và xã hội, từng bước ổn định đời sống, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng miền Nam. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ tháng 3 năm 1978 tách ra khỏi huyện Bình Long, cùng huyện Bù Đốp thành huyện Lộc Ninh (vào năm 2003 huyện Bù Đốp tách khỏi huyện Lộc Ninh). Bắt tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra quyết liệt. Nhân dân huyện Lộc Ninh lại một lần nữa cầm vũ khí chống giặc với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” với truyền thống đánh giặc ngoại xâm sẵn có Nhân dân Lộc Ninh lại góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược do bọn phản động pôn - pốt đồng thời xây dựng được 1 tiểu đoàn làm nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi đó đã làm cho sức mạnh của Đảng bộ và Nhân dân Lộc Ninh được tăng cường.
Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Đảng bộ, Nhân dân huyện Lộc Ninh còn gặp rất nhiều khó khăn. Là một địa bàn phức tạp về địa hình, cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém, sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá. Các cơ sở sản xuất bị tê liệt, lại xa trung tâm kinh tế văn hoá của tỉnh, trình độ dân trí thấp. Với thực trạng ấy Lộc Ninh cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH trước những thử thách to lớn. Nhưng với tinh thần làm chủ cao độ, phát huy bản chất cần cù chịu khó. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Lộc Ninh đã cùng nhau chung sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Các nông lâm trường, xí nghiệp được xây dựng, các cơ sở kinh tế được hồi phục và phát triển. Đời sống nhân dân từng bước được ổn định. Lĩnh vực an ninh quốc phòng đã thu được nhiều thành tích, đảm bảo sự ổn định chính trị trên địa bàn, phát hiện và xử lý được nhiều vụ án chính trị, kinh tế và phạm pháp hình sự, từng bước xoá bỏ các tàn dư văn hoá thực dân, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, duy trì và củng cố nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng được mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp và hoạt động có hiệu quả. Lực lượng bộ đội địa phương được tăng cường và nâng cao chất lượng theo hướng chính quy hiện đại, các xã, thị trấn đều đã xây dựng được lực lượng dân quân thường trực, sử dụng tốt lực lượng dự bị động viên.
Trong xây dựng và bảo vệ vững chắc XHCN, các nghị quyết của Đảng bộ và quá trình điều hành của các cấp chính quyền đều rất quan tâm, chú trọng việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và công tác quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới đất nước. Năm 2021, kinh tế của huyện vẫn tiếp tục có chiều hướng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 0,20% trên tổng dân số toàn huyện. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên cả về điều kiện sinh hoạt và mức hưởng thụ. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, củng cố, kiện toàn vững mạnh đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo theo kết luận của Tỉnh ủy, sau 02 lần chia tách, thành lập các xã mới (vào năm 2005 và 2008) huyện Lộc Ninh hiện nay có 16 xã, thị trấn. Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được quan tâm, chú trọng đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện thường xuyên, hệ thống chính trị từ huyện đến xã, nhất là tại cơ sở đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, có nhiều sáng kiến cụ thể, thiết thực tham gia phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân; các hoạt động hỗ trợ người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai và hưởng ứng tích cực.
Sau 50 năm giải phóng, về Lộc Ninh hôm nay ai ai cũng có thể tự hào về sự thay da, đổi thịt của một huyện anh hùng đang ngày càng có những bước phát triển vững bước đi lên. Lộc Ninh đã và đang phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, chuyển thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
Tác giả bài viết: Lê Thị Loan
Nguồn tin: Đảng ủy Sở NN và PTNT:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay9,774
  • Tháng hiện tại181,279
  • Tổng lượt truy cập5,958,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây