Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực tỉnh Bình Phước đến năm 2030

Thứ ba - 12/11/2024 03:41 78 0
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 04/11/2024 triển khai thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Kế hoạch này nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, phát triển cây công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất cây công nghiệp; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây công nghiệp. Tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm cây công nghiệp.
Đến năm 2030, mục tiêu cụ thể là duy trì và phát triển diện tích 04 loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh theo quy hoạch đạt trên 356.000 ha, sản lượng 659.780 tấn/năm.
Cụ thể: cây điều diện tích 138.000 ha, sản lượng 250.000 tấn; cao su diện tích 200.000 ha, sản lượng 363.000 tấn; cà phê diện tích 8.000 ha, sản lượng 20.800 tấn; cây tiêu diện tích 10.000 ha, sản lượng 25.000 tấn.
Tổng giá trị sản phẩm 04 cây công nghiệp chủ lực của tỉnh (cao su, điều, hồ tiêu, cà phê) tham gia xuất khẩu đạt 450 triệu USD (không tính giá trị sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su tham gia xuất khẩu).
Cây điều tập trung ở các huyện: Bù Đăng 55.200 ha, Bù Gia Mập 30.650 ha, Phú Riềng 21.800 ha, Đồng Phú 14.950 ha. Diện tích còn lại 15.400 ha được trồng tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Chơn Thành, Bình Long, Phước Long và thành phố Đồng Xoài. Đến năm 2030, 100% cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa nhân điều, trên 95% cơ sở chế biến hạt điều được cấp chứng nhận quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP... 
Cây cao su tập trung ở các huyện: Hớn Quản 34.820 ha, Đồng Phú 30.075 ha, Phú Riềng 23.600 ha, Bù Đăng 23.250 ha, Bù Gia Mập 20.780 ha, Chơn Thành 18.200 ha, Bù Đốp 10.185 ha. Diện tích còn lại 39.090 ha được phân bổ tại các huyện, thị xã: Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long và thành phố Đồng Xoài. Đến năm 2030, 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn. Tổ chức trồng cao su theo hướng đại điền, diện tích cao su thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 70%, diện tích cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững khoảng 50-70 nghìn ha; 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cây hồ tiêu tập trung ở các huyện: Lộc Ninh 4.220 ha, Bù Đốp 2.185 ha, Bù Đăng 965 ha Bù Gia Mập 850 ha, Bình Long 370 ha, Phú Riềng 320 ha. Diện tích còn lại được trồng tại các huyện: Hớn Quản, Đồng Phú, thị xã Phước Long, Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài. Đến năm 2030, có trên 30% diện tích hồ tiêu được trồng theo quy trình GAP và tương đương, diện tích hồ tiêu được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 20%. Tiếp tục đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA. Đến năm 2030, tỷ lệ chế biến sâu đạt khoảng 30% sản lượng (tiêu trắng, tiêu xay và các sản phẩm tinh chế khác); tỷ lệ tiêu đen 70%, trong đó tiêu nghiền bột 20%; tỷ lệ tiêu trắng 30%, trong đó tiêu nghiền bột trên 25%.
Cây cà phê tập trung ở các huyện: Bù Đăng 6.500 ha, Bù Gia Mập 850 ha, Phú Riềng 300 ha. Diện tích còn lại được trồng tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Đồng Phú, thị xã Phước Long, Chơn Thành, Bình Long và thành phố Đồng Xoài. Phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Đến năm 2030, 80-90% diện tích cà phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm (RA, 4C) khoảng 20-30%; trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh, trong đó cà phê chế biến sâu tham gia xuất khẩu đạt khoảng 10-20%./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang
Nguồn tin: (Hệ thống văn bản)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây