Phỏng vấn xung quanh nội dung chặt bỏ cao su

Thứ tư - 20/08/2014 05:04 838 0
Liên quan đến vấn đề người nông dân chặt bỏ cao su trong thời gian gần đây, Biên Tập Viên Trần Thị Nga, trên Kênh truyền hình Kinh tế Tài chính đã có buổi phỏng vấn ông Võ Đình Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Phước về vấn đề này. Ban Biên tập xin đăng lại toàn bộ nội dung phỏng vấn như sau:
Hỏi: Xin ông cho biết thực trạng nông dân chặt bỏ cao su ở Bình Phước diễn biến như thế nào ? Đáp: Trong năm nay, ngoài diện tích cao su chặt để tái canh thì còn có một số diện tích cao su bị chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. Theo số liệu khảo sát tính đến tháng 7/2014 của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước thì từ đầu năm đến nay, diện tích cao su tiểu điền cả tỉnh bị chặt 640ha. Trong đó, chặt để tái canh bằng những giống mới năng suất và chất lượng tốt hơn là 300ha, chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn là 340ha. Như vậy, với 340ha cao su tiểu điền chặt bỏ để chuyển sang trồng cây trồng khác so với 134.000ha cao su tiểu điền hiện có của tỉnh là rất ít, nên chúng ta cũng không nên quá bi quan về vấn đề này. Hỏi: Nguyên nhân tại sao nông dân lại quay lưng với “vàng trắng”? Đáp: Mặc dù chỉ có 340ha cao su tiểu điền bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây trồng khác, là rất ít, nhưng dẫu sao cũng thấy có xu hướng chặt bỏ cao su. Có 2 nguyên nhân dẫn đến vấn đề này Thứ nhất, Hiện nay giá cao su xuống thấp, trong khi đó chi phí đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, công lao động,…) luôn cao nên nông dân sản xuất cao su ít có lãi, vì vậy sức cạnh tranh của cây cao su kém so với nhiều loại cây trồng khác, đặc biệt là tiêu và cây ăn trái nên nông dân chuyển đổi. Thứ hai, Trước đây, có những lúc giá cao su lên đỉnh điểm, người trồng cao su có lãi lớn, ít có cây trồng cạnh tranh nổi với cây cao su, lúc đó nông dân đổ xô vào trồng cao su bất cứ chỗ nào, kể cả chân đất ruộng ẩm ướt, đất có tầng canh tác mỏng, hoặc đất đồi dóc,… cũng được trồng cao su, và có đến 2.600ha cao su trồng trên nền đất này. Mặc dù ngành Nông nghiệp cũng đã khuyến cáo không nên trồng cao su trên những vùng đất không thích hợp này, nhưng do sức hút cao su lúc đó quá lớn nên nông dân vẫn trồng. Vì vậy đến nay, những vườn cao su trên nền đất không thích hợp đó bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh thì lộ rõ nhược điểm như vườn cây không đồng đều, tỷ lệ cây chết cao, cây cụt ngọn, năng suất rất thấp nên hiệu quả kinh tế kém. Vì vậy họ chặt bỏ cao su trên phần diện tích này là chuyện đương nhiên. Hỏi: Với tình trạng chặt cao su như thế này thì ông có khuyến cáo gì với nông dân ? Đáp: Hiện nay, cả nước đã vượt quy hoạch khoảng 120.000ha, Bình Phước cũng không ngoại lệ, vượt xa quy hoạch chung của cả nước. Nếu nhìn rộng ra, hiện nay mức giao dịch cao su thiên nhiên của thế giới là 12 triệu tấn/năm, trong khi năng lực cung ứng lên đến 12,5 triệu tấn/năm, rõ ràng thế giới đang thừa 0,5 triệu tấn (tương đương thừa 4%). Vì vậy, theo tôi, trước hết không nên phát triển diện tích trồng mới nữa, thay vào đó tập trung tái canh vườn cây đã hết tuổi khai thác hoặc rút ngắn vườn cây gần hết tuổi khai thác bằng giống mới năng suất và chất lượng cao, đồng thời tư vấn cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi hết 2.600ha cao su trồng trên diện tích đất không phù hợp sang trồng những cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Song song đó, đẩy mạnh việc thâm canh diện tích hiện có để tăng năng suất, chất lượng mủ và hạ giá thành đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế đối trong sản xuất cao su, với giá mủ hiện tại, nhiều vườn cao su thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật vẫn đạt lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha, đây là mức lợi nhuận nông dân vẫn có thể chấp nhận được. Hỏi: Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư có biện pháp gì để giúp bà con? Đáp: Để nâng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh của cây cao su so với nhiều loại cây trồng có giá trị khác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào những việc sau: Thứ nhất, tiếp tục tư vấn cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi hết 2.600ha cao su đã trồng trên nền đất không phù hợp sang cây trồng khác phù hợp hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Thứ hai, xây dựng những mô hình trình diễn thâm canh, tái canh cao su bằng giống mới trên cơ sở ứng dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất, giúp tăng năng suất, tăng chất lượng mủ cao su, từ đó tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất cao su. Thứ ba, xây dựng, trình, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án chăn nuôi dưới tán (như nuôi heo, nuôi gà,… dưới tán) qua đó giúp tăng thu nhập đáng kể trên một diện tích đất canh tác, đồng thời tận dụng nguồn phân sẵn có trong chăn nuôi để phục vụ cho sản xuất cao su. Từ đó, giúp tăng sức cạnh tranh của cây cao su so với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Thực hiện phỏng vấn: BTV Trần Thị Nga
Nguồn tin: Theo Bình Phước online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây