Bình Phước: Chuyển dần từ IPM sang IPHM

Thứ ba - 22/08/2023 03:59 215 0
Ngày 24/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về triển khai thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2023-2030.
Theo đó phấn đấu đến năm 2030 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đội ngũ  nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; 90% nông dân được tuyên truyền và nắm vững được các nguyên tắc trong IPHM để áp dụng vào sản xuất; mỗi xã có ít nhất 01 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 05 nông dân IPHM nòng cốt.
IPHM được xây dựng trên cơ sở kế thừa chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Cụ thể, IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng, những biện pháp của IPM nhấn mạnh đến trừ dịch hại và chỉ tập trung vào nông nghiệp. Trong khi đó, IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng, những biện pháp của IPHM chủ yếu hướng vào việc phòng dịch hại, tự tạo sức đề kháng chống lại sâu bệnh. Việc áp dụng IPHM không những giúp cây trồng chủ lực đảm bảo năng suất, chất lượng, phòng chống dịch hại mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
1. Hiểu về IPHM.
IPHM là một hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể (đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích) nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Mục tiêu của IPHM là đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao được giá trị sản phẩm trồng trọt, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho người nông dân về sức khỏe cây trồng; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trang bị và cập nhật kiến thức từ khâu sản xuất đến thương mại nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật. IPHM dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm: (1) Đất khỏe (đất giúp điều tiết nước và các chất hòa tan đi xuống hoặc qua đất; đất duy trì sự sống của thực vật và động vật, sự đa dạng và năng suất của các sinh vật sống phụ thuộc vào đất; đất lọc và làm giảm, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng; đất giúp sự ổn định và hỗ trợ về mặt vật lý); (2) Cây trồng khỏe (gồm giống tốt, mật độ phù hợp, dinh dưỡng hợp lý, sinh vật gây hại thấp, đảm bảo năng suất chất lượng,…); (3) Đầu tư thông minh (chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp cao); (4) Bảo vệ môi trường sinh thái (bảo vệ địa chất, đất, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống); (5) Giám sát và kiểm tra đồng ruộng (người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước và đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời); (6) Nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm (người nông dân phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ cho người nông dân khác, bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương, quốc gia).
2. Mục tiêu của IPHM.
Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của bán bộ, người sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt về IPHM, chương trình phấn đấu đến năm 2030 sẽ thực hiện được các nội dung: 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; 90% nông dân được tuyên truyền và nắm vững được các nguyên tắc trong IPHM để áp dụng vào sản xuất; mỗi xã có ít nhất 01 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 05 nông dân IPHM nòng cốt; 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM, trên những diện tích ứng dụng giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học; 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón sau sử dụng đúng theo quy định.
3. Giải pháp để thực hiện IPHM hiệu quả.
Để IPHM thực hiện hiệu quả thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM. Cần lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với thực tiễn thông qua phương tiện truyền thông đại chúng; các hình thức sinh hoạt cộng đồng (sinh hoạt Câu lạc bộ, Hợp tác xã; hội thảo đầu bờ, các buổi tọa đàm đầu vụ, tập huấn…) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật cần được quan tâm thông qua các khóa tập huấn, đào tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia để hỗ trợ cho hướng dẫn viên cộng đồng và lực lượng nông dân nòng cốt cho cấp xã. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật giảm giá thành trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính. Ứng dụng khoa học kỹ thuật về các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để chủ động phòng chống SVGH. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo để phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng. Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính.
Những nguyên tắc, mục tiêu và nội dung của chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp được xây dựng là bước tiếp nối theo chiều sâu của chương trình IPM, góp phần bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật và môi trường, hoàn toàn phù hợp với những định hướng, mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp đang hướng tới. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2023-2030.
Tác giả bài viết: Vũ Thị Hường
Nguồn tin: Bộ phận TT và BVTV-Văn phòng sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây