Phòng, chống bệnh dại: Quan trọng là ý thức người dân

Thứ ba - 28/11/2023 21:42 180 0
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện 5 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo tại 5 xã thuộc 5 đơn vị hành chính cấp huyện. Toàn tỉnh có hơn 1.000 người bị chó, mèo cắn phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng, trong đó 6 người đã tử vong do bị chó dại cắn, ngành chức năng đã tiêu hủy 11 con chó dại. Do vậy, công tác quản lý, phòng chống bệnh dại trên chó, mèo cần được quan tâm một cách nghiêm túc.
Cần áp dụng chế tài xử lý chó thả rông
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 23-10-2023, trên đường đi làm về tới thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, anh N.V.N trú thôn 19/5, xã Đức Hạnh, cùng huyện Bù Gia Mập bị một con chó bất ngờ lao tới cắn vào mắt cá chân phải. Anh N quan sát thấy con chó dữ tợn, miệng chảy nhiều bọt, dãi. Khoảng 30 phút sau, con chó tiếp tục cắn một bé trai, khi bé đang trên đường đi học về. Nhận thấy con chó có biểu hiện bị bệnh dại, người dân đã quây lại và đánh chết.
Nhận được tin báo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Bù Gia Mập về vụ việc nêu trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử cán bộ đến lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm. Kết quả phát hiện chó có vi-rút dại. Hiện anh N và bé trai bị chó dại cắn đã chích xong vắc-xin, sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, anh N và nhiều người dân chứng kiến sự việc đề nghị ngành chức năng cần có chế tài xử lý tình trạng thả rông chó của các gia đình, hạn chế chó mắc bệnh dại cắn người, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, ngày 9-11, TTDVNN huyện Bù Gia Mập ban hành Kế hoạch số 13/KH-TTDVNN khẩn cấp tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn xã Phú Nghĩa, nhằm khống chế, ngăn chặn sự lây lan, bùng phát bệnh dại trên diện rộng. Ông Lê Viết Kiên, Phó Giám đốc TTDVNN huyện Bù Gia Mập cho biết: “Chúng tôi đã huy động cán bộ của trung tâm, nhân viên thú y các xã, lực lượng hỗ trợ và dẫn đường của xã chia làm 3 tổ, do cán bộ của TTDVNN huyện làm tổ trưởng. Căn cứ số lượng các xã đăng ký tiêm vắc-xin cho đàn chó, từ ngày 14 đến 18-11, chúng tôi đã triển khai tiêm đủ cho 1.400 con chó, mèo trên toàn xã Phú Nghĩa, đạt 100% đăng ký. Hiện các tổ tiếp tục tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo tại các xã Phú Văn và Đức Hạnh là địa bàn lân cận. Trong đó, xã Phú Văn đăng ký tiêm 700 liều, xã Đức Hạnh đăng ký 1.000 liều, đơn vị sẽ cố gắng triển khai nhanh và đạt kết quả cao nhất”.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Đồng Xoài tuyên truyền
người dân tiêm phòng và thực hiện tốt việc quản lý chó, mèo trong cộng đồng
Theo số liệu của ngành y tế, tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, bệnh dại đã làm 1.078 người tử vong. Tại Bình Phước, trong năm 2023 đã xảy ra 6 ca tử vong do bị chó dại cắn. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan. Tại thời điểm bị cắn thấy chó bình thường nên không đi tiêm phòng. Một số người dùng thuốc nam để điều trị khi bị chó cắn. Bên cạnh đó, một số trường hợp không có tiền đi tiêm phòng hoặc trẻ em bị chó cắn không nói với gia đình dẫn đến hậu quả đau lòng.
Tỷ lệ tiêm phòng chưa cao
Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND cấp huyện tổ chức tiêm phòng đợt 1 trong tháng 5 và 6-2023, các tháng còn lại tổ chức tiêm phòng bổ sung, phát sinh mới. Kết quả đợt 1, toàn tỉnh tiêm phòng bệnh dại cho 34.761 con, tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 36%. Trong đó, tiêm vắc-xin phòng bệnh dại miễn phí cho đàn chó nuôi tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (31.502 liều vắc-xin dại Rabiva/Hanvet); còn lại các hộ nuôi chó phải tự chi trả phí vắc-xin, tiền công tiêm.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Đồng Xoài
tiêm phòng bệnh dại cho chó tại phường Tân Phú
Lý giải về kết quả tiêm phòng chưa cao và những khó khăn trong việc quản lý bệnh dại, ông Lê Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Đến nay, duy nhất huyện Đồng Phú triển khai lập sổ theo dõi đàn chó, mèo trên địa bàn huyện để quản lý. Còn lại, ở các nơi trong tỉnh, hầu hết nhân dân chưa chủ động thực hiện đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã. Số lượng chó nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trong khi nhận thức của người dân về công tác phòng dại còn hạn chế. Tình trạng nuôi chó thả rông, không nhốt, xích còn phổ biến. Do đó, việc rà soát, thống kê đàn chó, mèo thực hiện lồng ghép với việc triển khai tiêm phòng bệnh dại chưa đồng bộ, khoa học.
Ý thức người nuôi quyết định an toàn phòng dịch
Ông Phạm Văn Huy, Phó Giám đốc TTDVNN TP. Đồng Xoài cho biết, thành phố có tổng số chó, mèo gần 6.000 con. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại bình quân chung toàn tỉnh chỉ đạt 36% nhưng Đồng Xoài đạt 80%. Trong đó, phường Tân Thiện đạt 91%, phường Tân Xuân đạt 88%, xã Tân Thành đạt 84,9%. Có được kết quả này, TTDVNN TP. Đồng Xoài phối hợp các xã, phường thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Nhiều hộ nuôi đã chủ động mang chó, mèo tới các cơ sở chăm sóc thú y tư nhân tiêm phòng dại và phòng, chống các loại bệnh khác. Ngoài ra, TTDVNN TP. Đồng Xoài còn thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên thực hiện tiêm phòng bệnh  dại theo quy định. Ngoài những hộ chủ động tiêm phòng cho chó, mèo tại các cơ sở thú y tư nhân, còn lại TTDVNN thành phố và chính quyền cơ sở phối hợp với nhân dân thực hiện đạt chỉ tiêu công tác này.
Nguồn tin: Theo Báo điện tử Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây