Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc tại Bình Phước
Quang
2016-11-16T04:17:11-05:00
2016-11-16T04:17:11-05:00
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-doan-the/Doan-Cong-tac-cua-Bo-Nong-nghiep-va-PTNT-lam-viec-tai-Binh-Phuoc-1370.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Ngày 15/11, Đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn đến làm việc tại Bình Phước. Tiếp đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh, Giám đốc Sở Trần Văn Lộc và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tái canh vườn điều theo hướng nào? Tại Trung tâm Giống nông nghiệp công nghệ cao, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã nghe Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Trần Minh Đức báo cáo tình hình hoạt động sản xuất các loại giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Trung tâm đang nghiên cứu lai tạo giống tiêu Malaysia năng suất cao, kháng bệnh tốt. Thứ trưởng đánh giá cao công trình nghiên cứu của trung tâm và đề nghị tỉnh quản lý nhà nước về giống đối với các cây trồng chủ lực như tiêu, điều. Đây là loại cây chiến lược đang được Bộ NN&PTNT chú trọng và có kim ngạch xuất khẩu cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 30 ngàn ha điều được trồng mới hoặc tái canh bằng giống mới, chiếm trên 20% diện tích điều của toàn tỉnh. Các giống điều trồng mới đều đã được Bộ NN&PTNT công nhận cho kết quả tốt như PN1, MH4/5, MH5/4 với khả năng ra bông tập trung cao, thu hoạch tập trung, thời vụ thu hoạch ngắn... Trong đó, tính từ đầu năm 2015 đến tháng 9-2016, diện tích điều tái canh trên địa bàn là 302 ha. Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho biết: Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt để phát triển cây điều chủ lực của tỉnh. Trong đó năm 2016 đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho huyện Bù Gia Mập cải tạo vườn điều, 1 tỷ đồng hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây tiêu, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Hiện hạt điều Bình Phước đã xuất sang Mỹ, châu Âu. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết tỉnh phát triển cây điều theo hướng tái canh trồng mới hay cải tạo lai ghép? Đề án phát triển ngành điều bền vững của tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù cho cây điều như cà phê ở Tây Nguyên và thanh long ở Bình Thuận; hỗ trợ 100% giống trồng mới và tái canh trong vùng quy hoạch nhằm ổn định diện tích; hỗ trợ đầu tư khoa học - kỹ thuật; 100% vốn triển khai thực hiện vùng nguyên liệu; thiên tai, dịch bệnh; 100% lãi suất vay vốn trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3 cho các hộ dân đầu tư; hỗ trợ vốn ngân sách trung ương theo yêu cầu thực hiện đề án khuyến nông. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Theo định hướng của bộ, tỉnh đã quyết liệt thực hiện giải pháp cải tạo nâng cao năng suất điều. Nhờ đó, năng suất tăng thêm từ 3-4 tạ/ha. Đây là tín hiệu tốt, bởi dư địa nâng cao năng suất của cây điều còn rất lớn, đồng thời giá điều xuất khẩu những năm qua cũng rất tốt. Đề nghị Bình Phước tiếp tục áp dụng các biện pháp thâm canh cải tạo vườn điều, trồng thay thế những vườn điều già cỗi và giống năng suất thấp để tỉnh có diện tích điều luôn đứng đầu cả nước về chất lượng và năng suất. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây điều có lợi thế vì chịu hạn tốt. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định Bộ NN&PTNT ủng hộ quy hoạch phát triển 200 ha điều của tỉnh và sẽ kiến nghị có chính sách đặc thù cho cây điều. Về phía tỉnh phải rà soát quy hoạch lại diện tích cây tiêu, cao su và cây ăn trái. Giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện các mô hình nhân rộng, liên kết sản xuất hiệu quả đối với cây điều, tiêu trên địa bàn. Xã hội hóa vốn đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao Về kiến nghị xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đoàn đã có buổi thị sát 2 khu đất quy hoạch cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Khu 500 ha đất lâm nghiệp tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, giáp biên giới Campuchia và 500 ha của Công ty TNHH Hải Vương thuộc huyện Hớn Quản, hiện trồng cao su và rừng nguyên liệu. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá đây là hai khu đất màu mỡ, thuận lợi để trồng những cây nông nghiệp đầu tư công nghệ cao và có nơi còn giáp biên giới rất thuận tiện. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu phải xã hội hóa vốn đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, không hành chính hóa. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh gợi ý tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cần quan tâm sản xuất những loại cây giống đầu dòng chất lượng. Về thủ tục thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh phải xây dựng đề án cụ thể, bộ sẽ hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Đối với Hợp tác xã Nguyên Khang Garden ở xã Tân Thành (Đồng Xoài), là mô hình sản xuất rau quả tiên tiến, Thứ trưởng đề nghị nên thành lập thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để được hưởng các chính sách ưu đãi./.