Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất tiêu an toàn tại một số tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên

Thứ ba - 01/12/2020 08:45 292 0
Hồ tiêu là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới nhưng việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hạt tiêu nhất là hồ tiêu xuất khẩu. Bên cạnh đó ngành hồ tiêu đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, năng suất chất lượng hồ tiêu chưa cao, thiếu tính an toàn, giá cả giảm sâu.
Do đó năm 2018 Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai Dự án “Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp” tại 06 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bao gồm: Bình Phước, Gia lai, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk, Đăk Nông. Sau 03 năm thực hiện, Dự án đã triển khai 32 mô hình với 640 hộ trên quy mô 420,66 ha trong đó có một nửa quy mô là mô hình sản xuất tiêu an toàn hiệu quả, còn lại là mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ vật tư, kỹ thuật để canh tác. Việc áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật thâm canh đã hạn chế sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sinh vật gây hại, góp phần hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, làm giảm ô nhiễm môi trường, nguồn đất, nguồn nước và sức khỏe của người lao động, tạo cân bằng sinh thái nông nghiệp vùng sản xuất. Thông qua các mô hình, các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, video clip, tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật... cán bộ kỹ thuật và nông dân tham gia trong vùng dự án được huấn luyện và thực nghiệm triển khai xây dựng mô hình một cách thành thạo. Tại các điểm mô hình cây tiêu đều sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt cao hơn so với sản xuất đại trà. Hiệu quả kinh tế của mô hình vượt so với sản xuất đại trà thấp nhất là 38,4% (mục tiêu vượt >20% về hiệu quả kinh tế). Đối với mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, mô hình đã giảm chi phí đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, công lao động... ) trung bình trên 1 triệu/ha thậm chí giảm dược trên 4 triệu/ha vào năm 2019. Năng suất tăng trung bình tăng từ 5,5% - 13,3%. Lãi thuần đạt cao, vượt so với mô hình đối chứng trung bình 14,8 triệu - 25 triệu đồng/ha năm. Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp đã liên kết được với các doanh nghiệp ký hợp đồng, cam kết thu mua sản phẩm, sản lượng đạt 1.276 tấn. Tại Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Dự án tổ chức tại Bình Phước vào ngày 26/11/2020 vừa qua, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết “Để sản xuất bền vững thì yêu cầu trước hết phải bền vững về thu nhập. Tức là khi có sự liên kết với doanh nghiệp thì nông dân sẽ đảm bảo được đầu ra. Trong giai đoạn thực hiện Dự án, giá tiêu xuống rất thấp nhưng nông dân vẫn khắc phục khó khăn, vẫn có doanh nghiệp đồng hành để thu mua hồ tiêu ít nhất bằng giá thị trường chưa tính đến các mức cộng thưởng khác. Do đó, nếu người dân vượt qua được giai đoạn khó khăn này mới mang lại sự thành công”. Ngoài ra, ông cho rằng Dự án chưa định giá được về tiền đối với giá trị sức khỏe của người sản xuất và giá trị về môi trường bởi đây là những yếu tố quan trọng nhưng ít được để ý đến. Trong thời gian tới các chương trình, Dự án về hồ tiêu sẽ được lưu ý đưa thêm chương trình bảo vệ cảnh quan vào để thực hiện. /uploads/news/2020_12/tc-hoi-nghi.jpg Toàn cảnh Hội nghị Những kết quả đạt được của Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc sản xuất hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện kinh tế cho một số nông dân trong vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cùng với quy trình kỹ thuật canh tác dễ áp dụng hy vọng việc mở rộng dự án sẽ có tính khả thi cao.
Tác giả bài viết: Vũ Hường
Nguồn tin: Phòng Kinh tế hợp tác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây