Kỷ niệm 07.5

Những giải pháp "nút thắt"cho tam nông

Thứ ba - 04/03/2014 00:00 617 0
Tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, khẩn trương giải quyết vướng mắc trong chính sách hỗ trợ cơ giới hóa… được Quảng Nam xem là những giải pháp căn cơ nhằm tạo “đòn bẩy” cho lĩnh vực trồng trọt phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững.
* Tập trung cho thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng Do số công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng quá ít, hệ thống kênh mương bị hư hỏng trong những đợt bão lũ chưa được khắc phục, thời gian tới Quảng Nam cần nỗ lực hơn nữa đầu tư xây dựng, cũng như phối hợp với các ban, ngành chức năng tận dụng các nguồn vốn hợp pháp trong điều kiện có thể. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống đập dâng, kênh mương kiên cố tại những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, đồng thời hỗ trợ ống nhựa cho một số xã vùng núi cao để đưa nước từ các dòng suối về tưới cho ruộng đồng; đồng thời giao cho người dân cùng tham gia giám sát việc xây dựng các công trình thủy lợi. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có 13.722 ha đất lúa và hoa màu thực hiện dồn điền đổi thửa, bằng 20% so với tổng diện tích hiện có. Để đẩy nhanh tiến độ công tác này, địa phương cần thu hút được sự đồng thuận của người dân. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND về việc quy định cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương dồn diền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Theo đó, diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa của một thôn ít nhất là 10ha thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho Ban chỉ đạo cấp xã 3 triệu đồng và Ban nhân dân thôn với mức 7 - 10 triệu đồng. Với Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố, thì căn cứ diện tích thực hiện trên địa bàn, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 30 nghìn đồng/ha. Ngoài ra, để việc đo đạc ruộng đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân sau khi dồn điền đổi thửa không bị chậm trễ như thời gian qua, từ nay ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha để ngành liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện khâu này. Đặc biệt, nhằm giúp nông dân thuận lợi trong quá trình sản xuất, tỉnh sẽ huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ chính quyền các địa phương 50% kinh phí để thi công trục chính giao thông nội đồng và các công trình cống qua đường. Ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để người dân thực hiện việc chỉnh trang đồng ruộng… Rõ ràng, việc ra đời Quyết định số 23 được xem là “cú hích” để Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Vậy nhưng, nhiều người cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả các khâu này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chứ không thể trút hết lên vai ngành nông nghiệp và quan trọng hơn là lòng dân phải thuận, người dân thấy được lợi ích thiết thực từ công tác này. Đặc biệt, phải nhanh chóng tăng cường và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, chủ yếu trong việc đo đạc ruộng đất, kiểm tra hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân sau dồn điền đổi thửa. * Bảo hiểm cây trồng, vật nuôi Theo thống kê, 7 năm trở lại đây, dịch tai xanh, cúm A/H5N1, bệnh lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng đã làm ít nhất 350 nghìn con gia súc, gia cầm của Quảng Nam bị nhiễm bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Nguyên nhân chủ yếu là khâu tiêm phòng diễn ra ì ạch, năm nào tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm vắc xin cũng chỉ đạt từ 15% - 65%. Phòng ngừa dịch bệnh, bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, cải tạo con giống và thay đổi tập quán sản xuất được xem là những giải pháp căn bản để tạo động lực cho chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, ổn định và bền vững trong những năm tới. Điển hình cho việc phòng ngừa dịch bệnh, bảo hiểm vật nuôi, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 2 mô hình rất hiệu quả. Xã Điện Quang (Điện Bàn) có tổng đàn bò 2.749 con. Năm 2008 trở về trước, do nhiều nguyên nhân, nhất là công tác tiêm phòng vắc xin đạt quá thấp nên dịch bệnh xảy ra liên miên. Để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời tăng nguồn thu cho đơn vị, đầu năm 2009 Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp & sản xuất kinh doanh tổng hợp Điện Quang triển khai gói dịch vụ bảo hiểm vật nuôi (chủ yếu là bò) trên địa bàn xã. Ngay lập tức mô hình này được nhân dân địa phương tích cực hưởng ứng. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm HTX này cho biết, theo hợp đồng ký kết, mỗi năm người chăn nuôi nộp cho đơn vị 180 - 200 nghìn đồng/con bò, ngược lại HTX sẽ thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nhằm hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc cho bò. Đặc biệt, đội ngũ thú y của HTX sẽ đảm nhận công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn bò theo đúng quy trình mà ngành chuyên môn hướng dẫn, nhất là đối với các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả. Theo cam kết, nếu không may con bò bị nhiễm bệnh chết, HTX sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho người chăn nuôi ít nhất 80% giá trị theo thị trường tại thời điểm xảy ra rủi ro. Tính đến giữa tháng 9/2011, trong số 2.749 con bò của Điện Quang thì đã có 75% tham gia dịch vụ bảo hiểm, dự kiến từ nay đến đầu năm 2012 sẽ đạt 100%. Theo ông Thành, nhờ đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng, triển khai hiệu quả khâu phun tiêu độc, khử trùng, nên gần 3 năm qua những đàn bò nằm trong diện được bảo hiểm không hề mắc các loại dịch bệnh. Người chăn nuôi thực sự an tâm. Hơn một năm nay, tại xã Tiên Sơn (Tiên Phước) cũng xuất hiện dịch vụ bảo hiểm trâu, bò, lợn do ông Nguyễn Tiến – một người dân địa phương mở. Nhờ có trình độ thú y, lại đưa ra những cam kết rất chặt chẽ như mô hình ở Điện Quang nên dịch vụ của ông Tiến rất được người chăn nuôi ủng hộ. Đến thời điểm này, ông Tiến đã nhận bảo hiểm cho đàn gia súc của gần 250 hộ dân ở xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà. Nhờ gói dịch vụ này mà thời gian qua tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại 3 địa phương vừa nêu luôn đạt rất cao, dịch bệnh không còn xảy ra thường xuyên như trước. Theo các chuyên gia cũng như các nhà nghiên cứu thì muốn đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, Quảng Nam cần tập trung phát triển theo hướng hàng hóa tập trung. Theo đó, phải nhanh chóng cải tạo chất lượng con giống, trong đó lai sind hóa đàn bò và nạc hóa đàn lợn được xem là 2 mũi chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Trong đó cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi, mua sắm trang thiết bị và đặc biệt là đào tạo lực lượng cán bộ thú y cơ sở đủ mạnh để sớm tăng đàn gia súc có nhóm máu lai trong thời gian đến. * Cải thiện tập quán sản xuất Tính đến giữa tháng 9/2011, tổng đàn gia súc của Quảng Nam là 868.399 con và khoảng 4 triệu con gia cầm. Thế nhưng, thống kê cho thấy, hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn còn chiếm hơn 87% số lượng đàn và chiếm 85% khối lượng sản phẩm. Hình thức nuôi chủ yếu theo lối quảng canh, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi là chính. Phương thức chăn nuôi manh mún, phân tán này là nguyên nhân chủ yếu làm các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Muốn hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương phải sớm quy hoạch những khu chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, xóa bỏ dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi dịch vụ bảo hiểm vật nuôi phát triển mạnh, chắc chắn tỉ lệ đàn gia súc được tiêm phòng vắc xin sẽ tăng lên nhanh chóng. Với quy mô mỗi xã khoảng 3 khu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, để “kéo” được doanh nghiệp vào lĩnh vực này, ngay từ bây giờ tỉnh cần có những chính sách thu hút phù hợp, nhất là giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất, cho thuê đất, bảo đảm quyền sử dụng đất. Đồng thời, tỉnh khuyến khích chủ đầu tư và chủ sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân áp dụng phương thức dùng giá trị quyền sử dụng đất để thỏa thuận góp vốn kinh doanh chăn nuôi trang trại. Nhà nước bảo đảm quyền sử dụng đất của nhà đầu tư như trường hợp giao đất, cho thuê đất. Đặc biệt, Quảng Nam cần áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng trang trại chăn nuôi, cũng như các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung. Theo đó, đầu tư vốn ngân sách để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào, bao gồm hệ thống xử lý môi trường, điện, nước, giao thông và các công trình phụ trợ khác. Nếu giải quyết căn bản được những vấn đề trên thì công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển “tam nông” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mới được thực hiện một cách có chiều sâu và mang tính bền vững./.

Nguồn tin: Bộ phận Kế hoạch tài chính-Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay9,065
  • Tháng hiện tại17,868
  • Tổng lượt truy cập4,701,950
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây