Những yêu cầu mới về chất lượng nông sản thực phẩm Việt để hội nhập
BBT
2018-01-06T03:51:41-05:00
2018-01-06T03:51:41-05:00
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-trong-nuoc/Nhung-yeu-cau-moi-ve-chat-luong-nong-san-thuc-pham-Viet-de-hoi-nhap-1501.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Ngày 16/6, tại Cần Thơ, Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập”.
Hội thảo gồm các nội dung bàn về những bộ tiêu chí về an toàn thực phẩm mà chúng ta phải tuân thủ để đạt yêu cầu xuất khẩu hàng hóa, đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. Tại hội thảo, đa phần các chuyên gia đều nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đã có nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân theo những tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm của nước nhập hàng. Thời gian vừa qua, một số đơn hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam với các đối tác ở thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản bị hủy do không đáp ứng được tiêu chuẩn của nước sở tại. Không dừng lại ở đó, liền sau những đơn hàng bị hủy là sự kiểm soát khắt khe hơn đối với hàng Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Bà Ino Mayu, Chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản, Tổ chức Seed to Table, chỉ ra rằng, trong chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm sạch cần chú trọng trước tiên tới yếu tố con người. Cụ thể là người nông dân trực tiếp sản xuất. Từ thực tế làm việc với nông dân Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 20 năm qua, bà Ino Mayu nhận thấy, nông dân luôn có tâm lý ngại tuân thủ theo quy định, tiêu chuẩn; ngại áp dụng phương pháp mới; ngại liên kết với các hộ khác; ngại công khai, chia sẻ thông tin, báo cáo thực tế sản xuất của hộ mình. Đặc biệt, họ thiếu hụt nghiêm trọng thông tin về thị trường nội địa và quốc tế. Chính vì thế, các doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản cần kiên nhẫn tập cho nông dân thói quen làm việc theo tập thể, theo quy định/tiêu chuẩn chung. Từ đó dần xóa bỏ hẳn tâm lý xuề xòa, du di và cào bằng. “Thực tế cho thấy, chỉ có 5 -10% nông dân quan tâm đến sản xuất nông sản sạch, cũng chỉ 5% trong số đó tuân thủ quy tắc và thành công. Tại Bến Tre, mô hình nông nghiệp hữu cơ của chúng tôi chỉ có 20 hộ thành công trong tổng 400 hộ tham gia. Chúng tôi chấp nhận con số đó”, bà Ino Mayu nhấn mạnh. Về phía trách nhiệm của doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, với vai trò hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập bền vững, Hội đã xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập”, nhằm khuyến khích doanh nghiệp quan tâm hơn tới vai trò của sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, thông qua bộ tiêu chí, xây dựng lòng tin vững chắc cho người tiêu dùng qua sự cam kết, minh bạch về chất lượng sản phẩm của những doanh nghiệp ứng dụng bộ tiêu chí này. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được đánh giá dựa trên những tiêu chí: Sản xuất kinh doanh hợp pháp (15%); An toàn, chất lượng (70%); Được người tiêu dùng bình chọn hàng năm (15%). “Những doanh nghiệp cam kết ứng dụng bộ tiêu chí này không phải đã đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa đi tất cả các nước, đặc biệt ở những thị trường khó tính. Tuy vậy, đây là điều kiện tiền đề, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển và vươn ra biển lớn”, bà Hạnh khẳng định. Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, ông Nestor Scherbey, đứng từ phía nhà nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ cho biết, để nhập được hàng vào Hòa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của một trong các tổ chức công/tư về cấp phép, được chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận. Điểm đặc biệt lưu ý là rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn nhầm lẫn khái niệm thời gian cho “Giấy chứng nhận chất lượng”. Theo đó, khi doanh nghiệp được cấp giấy, chỉ có nghĩa là doanh nghiệp đồng ý cho tổ chức cấp phép được toàn quyền kiểm tra quy trình sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian 2 năm. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ xuất khẩu ngay, hoặc khuyến cáo sau 2 năm sẽ không gia hạn cấp phép nữa. Thêm vào đó, hiện Hoa Kỳ đang thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa từ “phản ứng với thực phẩm bẩn” sang “ngăn ngừa mối nguy”, với hàng loạt những yêu cầu khắt khe. “Nếu công ty của bạn chưa hiểu rõ về những thay đổi trong chính sách mới này của Hoa Kỳ và có những hành động thích ứng, thì đừng cố gắng xuất khẩu hàng qua Hoa Kỳ. Bạn sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng với hải quan, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ… nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, thậm chí bị cấm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”, ông Nestor Scherbey cảnh báo./.
Tác giả bài viết: BBT
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Phước Long-Bù Gia Mập: