Tổng tấn công chất cấm trong chăn nuôi

Thứ tư - 30/03/2016 03:53 618 0
Năm 2016 tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn là năm trọng tâm công tác về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó nổi cộm là giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tiêu hủy đàn lợn và hình sự hóa hành vi vi phạm: Giải pháp đột phá!
Theo Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7 sắp tới, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị áp dụng mức phạt 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ và bị cấm sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như trước đây. Hình phạt này chắc chắn sẽ đủ sức răn đe các đối tượng buôn bán và sử dụng chất cấm, góp phần ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng này. Chưa kể, heo có chất cấm sẽ bị tiêu hủy tức người chăn nuôi sẽ có nguy cơ mất trắng sản nghiệp. Các quy định này được đánh giá là giải pháp đột phá, đem đến làn gió mới cho người tiêu dùng và người chăn nuôi chân chính, thể hiện quyết tâm cao độ của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ ngành liên quan trong việc đẩy lùi vấn nạn chất cấm đã tồn tại suốt 10 năm nay. Thực tế, để có được các quy định phù hợp với thực tế như thế này, các bộ ngành đã phải phối hợp rất nhanh và chặt chẽ để bổ sung việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào các điều khoản trong Bộ luật hình sự và kịp trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11 năm 2015. Trong đợt hành động cao điểm (từ tháng 11/2015 - 2/2016), Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các Bộ ngành liên quan phối hợp cơ quan chức năng đã thanh tra 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở 11 tỉnh thành trên cả nước, phát hiện xử phạt nhiều trường hợp sử dụng các loại chất cấm như: Salbutamol, Vàng O trộn vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1 tỉ 300 triệu đồng. Phát biểu tại tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức 23.3, ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết với những biện pháp quyết liệt nêu trên, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2016. Trước đó, ngày 3/3/2016, Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cũng đã nhấn mạnh: “Năm 2016 xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả”. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan Trước khi trình Quốc hội để kịp thời có những điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ ngành có liên quan cũng đã kịp thời ban hành các thông tư phù hợp với thực tế: Thông tư quy định tiêu hủy (thay vì chỉ tạm thời bắt giữ cho heo loại thải chất cấm trước khi xuất chuồng), thông tư điều chỉnh mức xét nghiệm để dễ dàng phát hiện chất cấm, các bộ kit cho kết quả ngay tại thời điểm thanh tra thay vì phải gửi về phòng xét nghiệm như trước. Mặt khác, cùng với quản lý chất lượng và thanh kiểm tra, các đơn vị quản lý trong ngành nông nghiệp đã xắn tay vào xây dựng những mô hình cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn. Đặc biệt, nhờ sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, hàng loạt cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi vi phạm đã bị xử lý thích đáng. Đồng thời, ngành y tế đã rất chủ động kiểm soát Salbutamol để tránh việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích vào thức ăn chăn nuôi. Cụ thể ngày 20/11/2015 Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản số 21590/QLD-KD thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49, để thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Hiện Bộ Y tế cũng đã kịp thời chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu/thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán… Cuộc chiến chống sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đòi hỏi các bộ ngành phải đồng loạt vào cuộc truy quét. Khi 63 tỉnh thành đều quyết tâm, cộng với sự phối hợp nhịp nhàng từ các bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Công An, Bộ Y Tế sẽ giải quyết tận gốc thực trạng chất cấm trong chăn nuôi đầy nhức nhối./.
Nguồn tin: CTV. Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây