Tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới

Chủ nhật - 12/07/2020 22:46 412 0
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, có xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là biên giới với Lào, Campuchia. Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng... từ các nước vào Việt Nam.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã tương đối ổn định; bên cạnh đó, thời gian qua chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Tuy nhiên, tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Campuchia; đồng thời, từ đầu năm 2020 đến nay, vẫn còn một số địa phương tái phát dịch như Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú, nguy cơ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát và lây lan. Nhằm kiểm soát tốt việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép qua biên giới có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước, góp phần ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, tái phát và lây lan. Đồng thời, thực hiện Công văn số 3991/BNN-TY ngày 13/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 2031 ngày 25/6/2020 chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện và Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp kiểm soát. Tập trung thực hiện các nội dung như sau: - Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân bằng nhiều hình thức, nhất là qua báo, đài về nguy cơ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên lợn tái phát, lây lan diện rộng; vận động mọi người dân tham gia giám sát và tố giác các trường hợp vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn trái phép qua biên giới. - Cơ quan chuyên môn thú y cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp đưa vào giết mổ lợn có biểu hiện dịch bệnh, không rõ nguồn gốc theo quy định. /uploads/news/2020_07/lon_1.jpg HÌnh ảnh minh họa - Yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn chủ động giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý nghiêm các điểm giết mổ lậu; các địa điểm tập kết, thu gom lợn, sản phẩm từ lợn trái phép phát sinh trên địa bàn quản lý. - Đội liên ngành huyện, thị xã, thành phố (gồm Công an, Quản lý thị trường, Thú y, Y tế, UBND cấp xã...) tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý. Đặc biệt là các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. - Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở phòng ngừa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn xử lý nghiêm các trường vi phạm khi phát hiện. - Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý Thị trường, Hải quan... lấy mẫu, xét nghiệm xác định mầm bệnh và tham mưu xử lý theo quy định khi nhận được thông tin phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu qua biên giới. Với các biện pháp đồng bộ như trên, sẽ giúp tình hình vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép qua biên giới trong thời gian tới sẽ được kiểm soát tốt. Qua đó, góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc và đảm bảo an toàn thực phẩm của tỉnh. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện tốt, cần sự chung tay của tất cả mọi người dân trong việc giám sát và tố giác các trường hợp vi phạm./.
Tác giả bài viết: Thành Nhân
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây