Chủ động tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Chủ nhật - 07/05/2023 22:05 229 0
Để bảo vệ đàn vật nuôi thì công tác phòng bệnh cho vật nuôi là vô cùng quan trọng một trong những giải pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả hiện nay là tiêm vắc xin phòng bệnh chủ động cho đàn gia súc, gia cầm.
Với tính chất quan trọng của công tác tiêm vắc xin phòng cho đàn gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại: Chủ cơ sở chăn nuôi chủ động tổ chức và chịu mọi chi phí thực hiện tiêm phòng các bệnh cho đàn vật nuôi của cơ sở. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi của trang trại theo quy trình của cơ sở đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% tổng đàn. Thời gian tiêm phòng thực hiện theo lứa tuổi động vật nuôi của trang trại và hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.
Tiêm phòng vắc xin Cúm cho đàn gia cầm
- Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ: Tổ chức tiêm phòng đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm đạt trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm. Đối với đàn gia cầm tổ chức tiêm phòng miễn phí vắc xin Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc các huyện, thị xã, thành phố xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (gồm 07 huyện, thị xã, thành phố: Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Bình Long và Phú Riềng) và tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc 03 huyện biên giới (gồm Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp).  Đối với đàn gia súc tổ chức tiêm miễn phí vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống và tiêm vắc xin Viêm da nổi cục miễn phí cho đàn trâu, bò của các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ trên địa bàn toàn tỉnh; Tiêm miễn phí vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã biên giới và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh; Tiêm miễn phí vắc xin Dại cho đàn chó, mèo của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đối tượng tiêm phòng miễn phí là các hộ chăn nuôi nêu trên có số lượng gia cầm nuôi quy mô từ 2.000 con trở xuống; tổng đàn trâu, bò từ 20 con trở xuống; Tổng đàn lợn nái, lợn đực giống từ 20 con trở xuống. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thuộc diện được tiêm phòng động vật miễn phí như trên phải tự tổ chức tiêm phòng các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định và chịu mọi chi phí thực hiện. Thời gian tiêm phòng thực hiện theo tuổi động vật nuôi và hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.
UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị chuyên môn chăn nuôi - thú y phối hợp tổ chức triển khai tiêm phòng đồng loạt, theo chiến dịch, 02 đợt chính/năm; đợt 1 vào khoảng tháng 4 - 6 và đợt 2 vào khoảng 10 -12 hàng năm. Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính và số gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến thời gian tiêm phòng.
Theo quy định tại Luật Thú y năm 2015, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/05/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và các quy định hiện hành khác, quy định các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho động vật nuôi, cụ thể:
Loài vật nuôi Bệnh bắt buộc tiêm phòng
Trâu, bò LMLM, Nhiệt thán, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục
Lợn LMLM, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn cổ điển
Dê, cừu LMLM, Nhiệt thán
Gà, chim cút Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn
Vịt, ngan Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt
Chó, mèo Dại động vật

Việc chấp hành tiêm phòng là quy định bắt buộc của pháp luật đối với mỗi cá nhân, tổ chức có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phải chịu trách nhiệm theo Luật Thú y và được quy định chi tiết tại Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/07/2017 và Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ, quy định rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật nuôi. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vì không tiêm phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là rất cần thiết, mang lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; Chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của địa phương để hỗ trợ bắt giữ gia súc, gia cầm phục vụ tiêm phòng tại hộ gia đình của mình bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc xin theo quy định.
Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo
Tác giả bài viết: Hồ Quang Thành
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây