Kỷ niệm 07.5

Khúc tráng ca nông nghiệp Bình Phước

Thứ ba - 20/02/2024 20:29 193 0
“Sau một năm nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp định hướng đến năm 2030, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp Bình Phước đã vươn lên dẫn đầu cả nước, góp phần vào tăng trưởng GRDP bình quân đầu người của tỉnh trong năm 2023 đạt 93,94 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2022. Kết quả này không phải của riêng ngành nông nghiệp mà là của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của người dân trong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân khẳng định.
Chuyển động miệt vườn
Đưa tay ngắt chùm sung chín mọng trên cây, chị Hà Bích Quyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Hà đưa cho du khách thưởng thức ngay tại vườn. Thấy khách chần chừ, chị Quyên tiếp lời: “Anh cứ ăn thử đi, chết mình chịu cho”. “Thật không?” - khách hỏi. “Anh cứ thử đi” - chị Quyên đáp. “Woa! Sung mà lại có vị ngọt thanh thế này” - khách trầm trồ khen sau khi thưởng thức trong chuyến tham quan tại Nông trại Việt Hà.
Nông trại Việt Hà được thành lập năm 2017 ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước với tổng diện tích 5 ha đất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích đất được canh tác 20 loại rau ăn lá và cây ăn trái nhiệt đới theo tiêu chuẩn hữu cơ thế giới. Trong 7 năm qua, nguồn phân bón cho vườn cây được ủ bằng chính những loại rau, củ, quả thải ra trong quá trình canh tác. Việc quản lý sâu bệnh hại bằng chế phẩm sinh học cùng với các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên. Cỏ dại được quản lý bằng cách phủ rơm thay cho phủ bạt. Với phương pháp canh tác này, Nông trại Việt Hà là cơ sở đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Phước được Hiệp hội Nông nghiệp bền vững quốc gia Úc (NASAA) cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế vào tháng 5-2021. 100% sản phẩm của nông trại được cung ứng cho hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh như Lotte, Winmart, Co.op Finelife, Kingfood Market và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chất lượng cao như Ajuma Garden, Organicfood.vn… Tùy loại, rau ăn lá của nông trại khi đưa vào siêu thị có giá bình quân từ 60.000-70.000 đồng/kg; từ 160.000-170.000 đồng/kg đối với rau gia vị.
Du khách thưởng thức trái cây được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu tại nông trại Việt Hà ở xã An Khương, huyện Hớn Quản
Tỉnh Bình Phước hiện có 48 mã số vùng trồng các loại cây trồng chủ lực, với tổng diện tích gần 4.000 ha, trong đó có 38 mã số vùng trồng sầu riêng. Dự kiến đầu năm 2024 sẽ có thêm 33 mã số cấp mới, nâng tổng số vùng trồng sầu riêng của tỉnh lên 71 mã, với tổng diện tích hơn 2.210 ha. Năm 2023, tỉnh Bình Phước công nhận mới 27 sản phẩm OCOP, nâng tổng số lên 125 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao.
Rời quân ngũ, anh Võ Ngọc Quế trở về với cuộc sống đời thường, canh tác hơn 7 ha hồ tiêu trên vùng đất biên cương thuộc ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Chấp nhận đánh đổi năng suất hồ tiêu từ 25 tấn xuống còn 15 tấn để lấy sức khỏe cho cộng đồng, anh chuyển đổi quy trình canh tác hồ tiêu từ an toàn sang hữu cơ. Để có được 4 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ châu Âu như hiện nay, nhà nông Võ Ngọc Quế đã mất 5 năm đầu tư xây dựng. Trong 3 năm đầu chuyển đổi, anh gặp không ít khó khăn trước thực trạng hồ tiêu “phơi đáy”. Thế nhưng, đất không phụ người có công. Trong 2 năm qua, chất lượng sản phẩm của vườn nhà anh luôn đạt hơn 900 chỉ tiêu hồ tiêu hữu cơ châu Âu đưa ra. Giá bán sản phẩm hạt tiêu nhờ đó cũng cao hơn 50% so với giá thị trường. Đặc biệt trong năm 2023, hồ tiêu của gia đình anh được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là sản phẩm OCOP hồ tiêu đầu tiên, duy nhất của tỉnh Bình Phước đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Và nó trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được huyện Bù Đốp tin dùng làm quà biếu.
Được công nhận sản phẩm ocop 4 sao đã giúp cho hạt tiêu hữu cơ đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu của nhà nông Võ Ngọc Quế được tăng lên 50% giá trị và thị trường tiêu thụ đang ngày càng rộng mở
Đích đến tận cùng trong canh tác nông nghiệp hữu cơ không phải mục tiêu nâng cao giá sản phẩm mà nhằm loại trừ những biện pháp canh tác gây xâm hại đất, nước, không khí, vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật và sức khỏe con người. Thành quả cuối cùng của nông nghiệp hữu cơ mang lại chính là thiên nhiên an lành, đa dạng, bổ trợ nhau và con người từ thế hệ này qua thế hệ khác được hưởng cộng sinh bằng những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên trao tặng. Đó là nguồn thực phẩm chất lượng, môi trường sống lành mạnh cho sức khỏe muôn loài, trong đó có loài người. Những công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và ngay cả nông dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Bình Phước đang trên đường hướng đến đích đó.
“Mỗi một nông sản hữu cơ, mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện, là nét đẹp văn hóa tự thân nó nói lên giá trị đặc sắc cho mỗi địa phương, làng bản nơi nó sinh ra” - CEO Công ty TDL Solutions Thái Dũng Linh (TP. Hồ Chí Minh) cho hay.
Khúc hát mở đường
Năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Phước đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, từng bước hiện thực hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Đặc biệt là các chương trình, đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Việc triển khai, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã giúp diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng theo quy hoạch. Không chỉ thế, đề án còn giúp người dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ mô hình sản xuất cá thể sang tập thể. Sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật toàn ngành từ tỉnh đến huyện đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số nông nghiệp. Từ đó đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã giúp cho chuỗi ngành hàng sầu riêng, chuối trong năm 2023 tăng trưởng cao nhất so với các loại cây trồng khác với mức 19,2%
Từ việc triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã giúp giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng đến 25,4%, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,25% so với cùng kỳ năm 2022. Với mức tăng trưởng này, ngành nông nghiệp Bình Phước đang đứng đầu các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là vị thế kỷ lục của ngành nông nghiệp Bình Phước sau 27 năm tái lập tỉnh, góp phần đưa 80/86 xã trên địa bàn tỉnh về đích nông thôn mới. “Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp trong năm 2023 có sự kế thừa, cộng hưởng từ những chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như các giải pháp thực hiện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong nhiều năm qua” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân nhận định.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh cuối năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, giá trị tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp Bình Phước là một thành tích đáng trân trọng. Ngay cả tỉnh đứng thứ hai của cả nước cũng chỉ tăng trưởng hơn 6%. Mừng nhất trong sự tăng trưởng ấy là các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chuối, dưa... được người dân phát triển đúng định hướng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Điều đó cho thấy những chủ trương, chính sách của tỉnh đang được người dân hưởng ứng rất cao.
Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Phước phấn đấu hoàn thành mục tiêu tổng quát cho cả giai đoạn 2021-2025 là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đưa 5 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 100% trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025.
Với những quyết tâm của ngành cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, chúng ta có quyền hy vọng năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ hoàn thành xuất sắc các chương trình, mục tiêu đề ra, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng.

Nguồn tin: Theo Báo điện tử Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập124
  • Hôm nay11,455
  • Tháng hiện tại31,764
  • Tổng lượt truy cập4,715,846
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây