Bệnh Dại – Căn bệnh nguy hiểm chết người và các biện pháp phòng ngừa bệnh Dại

Chủ nhật - 07/04/2024 23:40 145 0
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây truyền từ động vật (chủ yếu từ chó, mèo) sang người, do vi rút Dại gây ra. Khi đã lên cơn dại thì không thể chữa trị được kể cả người và động vật. Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, năm 2023 đã xảy ra 05 ổ dịch bệnh Dại trên chó; đã có 07 người tử vong vì bệnh dại và hơn 3.000 người bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế điều trị dự phòng. Nguyên nhân chủ yếu là người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, không nuôi nhốt, quản lý chặt đàn chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm ở nơi công cộng còn khá phổ biến khiến cho nhiều người bị chó cắn; đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh Dại theo quy định; khi bị chó, mèo cắn, cào nhiều người đã chủ quan không đến các cơ sở y tế để xử lý, điều trị dự phòng nên bị phát bệnh Dại và tử vong,...
Để bảo vệ đàn vật nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại như sau:
1. Đối với chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện nghiêm các biện pháp:
- Phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
- Phải chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo định kỳ hằng năm theo quy định; chủ động liên hệ với nhân viên Thú y, cơ sở dịch vụ thú y để tiêm vắc xin dại hàng năm và có giấy chứng nhận tiêm phòng cho chó nuôi.
- Phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
- Thường xuyên theo dõi, giám sát chó nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật có biểu hiện nghi mắc bệnh dại như vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải nhanh chóng cách ly, xích nhốt an toàn và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý kịp thời.
- Nếu người nuôi chó để thả rông chó nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, không chấp hành tiêm phòng vắc-xin Dại cho chó nuôi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng (Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020  của Chính phủ).
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng (Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ).
- Hạn chế nuôi chó, mèo. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo vì con trẻ thường hay lê la, ôm hôn chó, mèo dẫn đến nguy cơ bị chó, mèo cắn, cào; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, nhất là chó, mèo chạy rông ngoài đường; không lại gần khi chó đang ăn hoặc khi chó mẹ đang cho con bú, không nhìn vào mắt chó.
 2. Khi người bị chó, mèo cào, cắn:
- Cần nhanh chóng xối, rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. 
+ Trẻ em bị chó, mèo cắn cần báo cho cha mẹ, người thân biết để xử lí kịp thời.
Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy tích cực chung tay phòng, chống bệnh Dại.
Tác giả bài viết: Hồ Quang Thành
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay8,069
  • Tháng hiện tại196,796
  • Tổng lượt truy cập5,974,218
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây