Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thay đổi người dân Bình Phước sẽ hưởng lợi nhiều hơn
Ngọc Hân
2017-01-02T22:51:50-05:00
2017-01-02T22:51:50-05:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/bvptr/Tin-tuc-su-kien/Chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-thay-doi-nguoi-dan-Binh-Phuoc-se-huong-loi-nhieu-hon-178.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP (Nghị định số 147 năm 2016) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (Nghị định số 99 năm 2010) ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Việc ban hành Nghị định 147 đã đáp ứng được mong mỏi của các bên liên quan đặc biệt là những người dân đang hàng ngày chăm sóc, bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, Nghị định bổ sung thêm 02 đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã và Các tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR. Về mức chi trả tiền DVMTR được sửa đổi: đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, mức chi trả tiền DVMTR được quy định là 36 đồng/kwh điện thương phẩm (so với mức quy định cũ là 20 đồng/kwh); đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch, mức chi trả tiền DVMTR được quy định là 52 đồng/m3 nước thương phẩm (so với mức quy định cũ là 40 đồng/m3). Như vậy, với mức chi trả mới này, thu nhập của người dân từ DVMTR tăng lên trung bình từ 1,7-1,8 lần/ha/năm. Về việc sử dụng tiền DVMTR, ngoài việc sử dụng kinh phí dự phòng khi có thiên tai, khô hạn, Nghị định 147 bổ sung cho phép sử dụng hỗ trợ trong trường hợp mức chi trả tiền DVMTR trên cùng 1 đơn vị diện tích thấp hơn mức chi trả của năm trước liền kề. Bên cạnh đó, Nghị định 147 cũng quy định đối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn tỉnh, UBND tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp.Ngoài ra, đối với đối tượng được chi trả tiền DVMTR là UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, cho thuê theo quy định của pháp luật thì tiền DVMTR nhận được coi là nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, quản lý chi theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Nghị định 147 đã bãi bỏ khoản 7 và điểm b, khoản 9, Điều 22 của Nghị định 99 về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh không cần phải xác nhận danh sách các chủ rừng là tổ chức và UBND cấp huyện cũng không cần phải xác nhận danh sách các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có cung ứng cho 1 đơn vị sử dụng DVMTR. Điều này, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách. Những thay đổi này sẽ góp phần chuyển biến đáng kể đến kinh tế, xã hội và môi trường như: Tăng nguồn thu tiền DVMTR, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm diện tích mất rừng, tăng độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, cải thiện môi trường sinh thái. Tạo việc làm, tăng thu nhập và tạo động lực, khuyến khích chủ rừng, người dân tham gia bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng và là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hơn nữa trong thời gian tới, thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước./.
Tác giả bài viết: Ngọc Hân
Nguồn tin: Quỹ Bảo vệ và PTR