Trong những năm qua, cùng với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển chăn nuôi đúng đắn, ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Phước đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành ngành sản xuất hàng hóa và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo số liệu tổng hợp ngành, chăn nuôi Bình Phước đang thuộc nhóm dẫn đầu cả nước với tổng đàn heo khoảng 2 triệu con, trâu bò khoảng 53 ngàn con và gia cầm khoảng 13 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi với tổng đàn lớn sẽ đối mặt với nguy cơ, áp lực dịch bệnh động vật lớn khi tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt các bệnh Dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm ... tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao.
Nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập ra vào tỉnh, đồng thời đảm bảo thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Đối với công tác kiểm dịch động vật: Duy trì hoạt động 02 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật đầu mối giao thông ra vào vùng an toàn dịch bệnh (01 chốt tại xã Tân Lập – huyện Đồng Phú và 01 chốt tại xã Thành Tâm – huyện Chơn Thành). Phân công cán bộ trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phun xịt tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ và sản phẩm của gia súc, gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc. Các Kiểm dịch viên thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển luôn phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu xuất động vật, sản phẩm động vật ra khỏi tỉnh. Kết quả trong 9 tháng đầu năm năm 2022 đã kiểm dịch được: 8.582 con dê, 60 con trâu, bò, 2.818.476.463 con lợn, 28.516.547 con gà, 2.038.000 con vịt, 8.988.000 quả trứng giống, 4.664.626 kg thịt gà làm thực phẩm và 1.915.638 kg sản phẩm động vật khác làm thức ăn chăn nuôi.
Kiểm dịch vận chuyển gia súc xuất tỉnh
Đối với công tác kiểm soát giết mổ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các Doanh nghiệp đầu tư các nhà máy giết mổ quy mô lớn với dây chuyền giết mổ hiện đại, cung cấp sản phẩm động vật an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 02 nhà máy giết mổ quy mô lớn gồm Nhà máy giết mổ gà thuộc chuỗi sản xuất thịt gà để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food, trong 9 tháng đầu năm 2022 nhàn máy đã giết mổ được 18.172.395 con gà phục vụ cho tiêu thụ nội địa và phục vụ cho xuất khẩu; Đầu tháng 10/2022 tiếp tục có 01 Nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm tại KCN Minh Hưng Silkico của Công ty TNHH JAPFA Comfeed Việt Nam với công suất giai đoạn 1 giết mổ 37,4 triệu con gà/năm và giai đoạn 2 giết mổ 374.400 con heo/ năm, hiện nay đã đi vào hoạt động giai đoạn 01. Tại 02 cơ sở này đều được bố trí nhân viên kiểm soát giết mổ trực để kiểm soát quá trình vận hành giết mổ, kiểm tra sức khỏe động vật nhập vào trước khi giết mổ và sản phẩm xuất ra, yêu cầu xử lý các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Kiểm tra sức khỏe động vật trước khi giết mổ tại Nhà máy giết mổ Công ty TNHH CPV Food
Ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, số lượng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng sẽ kéo theo áp lực về dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó thì nhu cầu thị trường về chất lượng, mức độ an toàn thực phẩm về sản phẩm động vật ngày càng cao. Vì vậy, hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ luôn phải được tăng cường, chú trọng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh nhà.