Anh La Văn Sanh làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác xã hội

Thứ sáu - 23/08/2019 05:11 375 0
8 năm làm ấp trưởng, anh La Văn Sanh, sinh năm 1974, người dân tộc Nùng, ngụ ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa (Đồng Phú) luôn được bà con trong ấp và cán bộ xã tín nhiệm. Mọi người biết đến anh không chỉ là ấp trưởng nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, mà còn là người gương mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Sinh ra tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1988, anh theo ba mẹ vào Bình Phước lập nghiệp tại ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa. Năm 1993, anh xây dựng gia đình. Được ba mẹ cho 8 ha đất, trong đó có 4 ha trồng điều năm thứ 3 và 4 ha đất trắng. Có đất vợ chồng anh tích cực lao động sản xuất, áp dụng KHKT vào chăm sóc điều và đầu tư trồng điều xen mỳ nên hiệu quả kinh tế cao. Tích lũy vốn, anh đầu tư mở rộng diện tích để sản xuất. Đến nay, anh đã có tổng cộng gần 20 ha đất, trong đó có 15 ha trồng cao su, 3 ha trồng điều, 2 ha trồng tiêu… Anh Sanh cho biết, ngày nay diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao. Vì vậy, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng. Nhờ vậy, anh Sanh nắm vững kỹ thuật, hiểu tường tận quá trình sinh trưởng của cây để có cách xử lý kịp thời khi phát sinh nấm, sâu bệnh gây hại. Để cao su phát triển tốt và cho sản lượng mủ cao, mỗi năm anh bón phân 3 lần vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và đầu mùa khô. Vào giữa mùa mưa, cây cao su hay bị bệnh nấm hồng, bọ trĩ nên phải xịt thuốc. Bên cạnh đó, người nông dân phải thường xuyên bám sát vườn cao su theo dõi phát hiện bệnh là phải điều trị kịp thời không để lây lan trên diện rộng. Đối với cây điều, anh cho biết: “Trước đây, người trồng điều chủ yếu dựa vào thời tiết, ít áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật nên không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với sâu, bệnh. Đặc điểm của cây điều là cho hoa nhiều đợt, do đó sau những cơn mưa trái mùa, rất dễ phát sinh nấm, bệnh thán thư và các loại sâu bọ tấn công gây khô cành, khô bông. Nếu không kịp thời chữa trị thì mùa điều thất thu là khó tránh khỏi. Chăm sóc điều không dễ như nhiều nông dân vẫn nghĩ, chỉ cần lơ là điều sẽ bị bệnh và nếu không dùng đúng thuốc, trị đúng cách thì bệnh càng nặng thêm, lan nhanh. Do đó, anh thường xuyên theo dõi vườn điều để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Cây điều thường bị bệnh khô cành cháy lá, bệnh phát triển trong điều kiện nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao, đặc biệt với những vườn cây rậm rạp, bón phân không cân đối. Bệnh lây lan qua gió, nước, xâm nhiễm qua các vết thương trên thân cây. Để điều trị bệnh cần phun thuốc kết hợp các biện pháp canh tác khác như tỉa cành tạo tán, xông khói, dọn cỏ, chăm bón hợp lý. Ở thời kỳ điều trổ bông nếu gặp mưa nhiều sẽ khiến các chùm bông bị ngậm nước, sau đó gặp nắng sẽ bị héo khô. Đây cũng là giai đoạn bông điều dễ bị nấm, phát sinh sâu bệnh, do đó phải thường xuyên thăm vườn để chữa trị kịp thời cho cây. Cũng vì vậy, vườn cao su và điều của gia đình anh luôn cho năng suất cao. Năm 2010, anh Sanh được bà con trong thôn tín nhiệm bầu là Trưởng ấp Đồng Xê và là đại biểu HĐND xã Tân Hòa 2 nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Anh Sanh cho biết: ấp Đồng Xê tổng số 205 hộ dân, trong đó gần 130 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ vùng núi phía Bắc vào sinh sống. Lúc anh mới làm trưởng ấp, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Để vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động của ấp, anh cùng một số người trong Ban điều hành ấp tuyên truyền vận động, đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng nhà, đồng thời khuyên bà con chuyển đổi những loại cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của ấp thì không chỉ nói suông. Trước hết bản thân phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả; từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Anh đã xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả, với 20 ha trồng cao su, điều, tiêu… mở đại lý bán hàng tạp hóa, buôn bán phân bón và thu mua nông sản, thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Anh Sanh được UBND tỉnh, chủ tịch UBND huyện Đồng Phú tặng nhiều nằng khen, giấy khen vì có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự, anh là điển hình tiên tiến trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 và nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, huyện nhiều năm liền. Ông Hà Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, nhận xét: Đầu năm 2018, thực hiện chức danh Bí thư kiêm trưởng ấp, anh xin nghỉ làm ấp trưởng nhưng những đóng góp của anh được cấp trên và người dân đánh giá cao. Không chỉ lao động sản xuất giỏi, anh còn là ấp trưởng, đại biểu HĐND xã gương mẫu, trách nhiệm, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ các gia đình khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, mỗi năm anh Sanh bán thiếu phân bón, thuốc trừ sâu, cho vay không lãi, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn sản xuất từ 200 đến 250 triệu đồng tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, anh là tấm gương tiêu biểu tại địa phương.
Tác giả bài viết: Thái Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay6,741
  • Tháng hiện tại189,788
  • Tổng lượt truy cập6,972,759
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây