Xác định vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ vào triển khai các chương trình dự án, đào tạo huấn luyện, chuyển giao tiến bộ KHKT, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ họ áp dụng chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất để nâng cao thu nhập. Tuy việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, từng bước thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu tiêu biểu như: Mô hình liên kết hồ tiêu theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance), mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu, mô hình chế biến hạt điều bằng công nghệ hấp hơi nước, mô hình trồng mít ruột đỏ, mô hình trồng giống bơ sáp Mã Dưỡng, mô hình trồng bưởi da xanh … Các mô hình thực hiện chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người nông dân trong công tác tổ chức sản xuất mới.
Mô hình trồng cà chua công nghệ cao tại HTX Thành Phương, Đồng Phú
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua trong nhà màng của một số HTX như: HTX Thành Phương (Đồng Phú), HTX Thanh Phú (Bình Long), HTX Công nghệ cao Lộc Hưng (Lộc Ninh), HTX Thanh An (Hớn Quản)… ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của israel, tích hợp hệ thống châm phân tự động; mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ẩm độ), áp dụng công nghệ số, … là bước tiến mới trong hành trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần với người dân. Các mô hình được triển khai thành công không chỉ hỗ trợ người sản xuất hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ngành nông nghiệp.
Thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn điều
Các mô hình được dán tem truy suất nguồn gốc như hồ tiêu, hạt điều, dưa lưới, bưởi da xanh, nhãn, mật ong, yến sào, … góp phần đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử. Chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR code, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu toàn bộ thông tin của sản phẩm. Đặc biệt trong thời gian tác động của dịch Covid -19 buộc các HTX, các hộ sản xuất phải linh hoạt thích ứng, tìm hướng đi mới tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm được xem là giải pháp ưu việt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, giúp cho người sản xuất và người tiêu dùng bảo vệ được quyền lợi của mình, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, sàn thương mại đuện tử kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã có những tiếp cận về chuyển đổi số trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị như: ứng dụng chữ ký số trong việc thực hiện nhiêm vụ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất hiệu quả lên trang Web của Sở nông nghiệp nhằm phổ biến nhanh, kịp thời, đầy đủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, các mô hình sản xuất hiệu quả, các gương điển hình tiến tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, thông tin thị trường, giá cả nông sản trên địa bàn tỉnh đến đông đảo bà con nông dân để kịp thời ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, trong thời gian tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp thì đơn vị cũng đã thực hiện các cuộc họp trực tuyến qua phần mềm Zoom để đảm bảo các hoạt động thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn ứng dụng phần mền PPDMS 2.0 vào thực hiện công tác bảo vệ thực vật, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình được tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng và báo cáo các đơn vị cấp trên có hướng chỉ đạo sản xuất.
Về tiêu thụ nông sản, khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp, sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã chủ động linh hoạt trong việc liên hệ, kết nối với sàn thương mại điện tử POSTMART, nông sản tỉnh Bình Phước, … hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, các sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, HTX, nông hộ trên địa bàn tỉnh giúp các doanh nghiệp, HTX, nông hộ có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh tình hình mới
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tại Bình Phước đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân lá từ trên cao với hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần các thiết bị khác; để gia tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp. Trong tháng 5 năm 2022, Bình Phước đã thành lập và đi vào hoạt động 01 HTX dịch vụ nông nghiệp số với mục tiêu lớn nhất là liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm của riêng mình, từ đó hình thành mô hình liên kết chuỗi trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản. Thông qua chuyển đổi số đã mang đến những giá trị mới bền vững cho sản xuất nông nghiệp và cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này. Không chỉ vậy, chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, nhưng bán ra với giá cao. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng hạn chế khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn như: nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ lẻ khó liên kết được vùng nguyên liệu; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.
Để tiếp tục tăng cường việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xác định một số mục tiêu sau:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, việc định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phải được chú trọng.
Tăng cường xây dựng các chương trình, mô hình sản xuất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa, khuyến khích người nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng, xây dựng các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả thông qua tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng…