GIẢI PHÁP THÂM CANH CÂY ĐIỀU TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Chủ nhật - 05/11/2017 22:15 1.008 0
Cây điều là một loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Đến hết 2016 diện tích điều của tỉnh trên đất sản xuất nông nghiệp là 134.204ha, trên đất lâm phần là 39.716ha, tổng diện tích là 173.920ha. Về diện tích cây điều chiếm 32,7% trong diện tích cây lâu năm và chiếm 30,03% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Về đóng góp trong cơ cấu kinh tế - xã hội, kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2016 của tỉnh đạt 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng số GDP của ngành Nông nghiệp. Về an sinh xã hội, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50.000 lao động tại 226 doanh nghiệp, 328 cơ sở chế biến điều và hàng ngàn lao động trực tiếp trong sản xuất và thu mua tại vườn, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều của tỉnh.Chính vì vậy, trong những năm qua tỉnh Bình Phước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển ngành điều, thể hiện ở việc đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp &PTNT xây dựng Đề án phát triển bền vững nghành điều đến 2025 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1559/QĐ-UBND ngày 30/6/2016. Đề án này đã đề xuất 12 hợp phần dự án, các dự án này cơ bản đã đạt được những mục tiêu chủ yếu của quá trình tái cơ cấu trồng trọt nói chung và tái cơ cấu ngành điều nói riêng. Ngoài ra tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành điều, chỉ đạo xây dựng nghị quyết về phát triển điều bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Tuy nhiên thực trạng hiện nay, vườn điều Bình Phước đang trong giai đoạn già đi, phần lớn diện tích đang bị sâu bệnh hại và sinh trưởng phát triển kém, việc tái canh trồng mới chuyển biến rất chậm, việc áp dụng các biện pháp thâm canh hoặc ứng dụng công nghệ cao chỉ mới ở bước khởi đầu. Vì vậy việc xây dựng, đề xuất các giải pháp để khôi phục vườn điều bị sâu bệnh hại và sinh trưởng phát triển kém là hết sức cần thiết.Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạngvườn điều bị sâu bệnh hại và sinh trưởng phát triển kém, nhưng có thể nhận định một số nguyên nhân chính như sau: Thứ nhất:Có đến 80% diện tích điều của tỉnh trồng bằng hạt không qua chọn giống, do đó phẩm chất cây không đồng đều, năng suất thấp. Cùng với việc canh tác không đúng kỹ thuật, cơ bản là lợi dụng đất, ít quan tâm chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại nên vườn điều sinh trưởng phát triển kém. Thứ hai: Có đến gần 33.000 ha là diện tích điều hoàn toàn quảng canh, không chăm sóc thâm canh. Khi mưa ẩm phát sinh bệnh hại diện tích này không được phun thuốc phòng trừ, từ đó trở thành ổ bệnh lây lan sang các diện tích lân cận. Thứ 3: Chiếm đa phần diện tích trồng điều là đất xấu, đất dốc nằm trong vùng sâu, vùng xa, do sự cạnh tranh của cây cao su, cây ăn quả. Cùng với cách nhìn về cây điều là không cần chăm sóc nên vườn điều ngày càng già cỗi, sinh trưởng phát triển kém. Thứ 4. Có đến 75% diện tích vườn điều đã trên 15 năm tuổi, trong đó diện tích trên 25 tuổi chiếm 30%. Với độ tuổi này vườn điều đang chuyển sang già cỗi và bị sâu bệnh hại dẫn đến sinh trưởng phát triển kém. Thứ 5. Số hộ trồng điều không quan tâm đến thâm canh, yên tâm với lối canh tác truyền thống xem cây điều là cây của người nghèo, không cần thâm canh vẫn cho thu hoạch và ổn định cuộc sống chiếm tỉ lệ tương đối cao. Việc này dẫn đến công tác tuyên truyền tập huấn của cơ quan chức năng gần như vô hiệu. Thứ 6. Mùa khô cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa trùng vào thời điểm cây điều ra hoa thụ phấn, mưa đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến việc thụ phấn và đậu trái của cây điều, đồng thời mưa làm tăng độ ẩm dẫn đến nấm gây bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides) phát triển, phát tán mạnh, bệnh này gây hại trên chồi non và quả non làm giảm năng suất và chất lượng hạt điều. Ngoài ra mưa trái mùa làm độ ẩm tăng cao là môi trường thuận lợi cho bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora) phát triển mạnh, bọ xít này gây hại cho lá non, hoa và hạt non của cây điều. Thứ 7. Vườn điều chưa được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển tương xứng với vai trò vị trí, nhất là tiềm năng về năng suất còn rất lớn. Từnhững nguyên nhân chính đã nêu, để hỗ trợ cho ngành điều phát triển,Ngành Nông nghiệp &PTNTđã đề xuất một số giải pháp như sau: 1)Về giải pháp trước mắt:Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với UBND 6 huyện thị bao gồm: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đốp, Phước Long triển khai ra quân thực hiện việc cứu hộ vườn điều và hướng dẫn 5 huyện thị còn lại thực hiện chăm sóc vườn điều với các nội dung chia thành 2 đợt như sau: Đợt 1: Thực hiện trong tháng 9, tháng 10 gồm các nội dung: Thăm vườn, phòng trừ sâu bệnh hại. Đối với những vườn chưa tỉa cành đợt 1 thì tiến hành tỉa bỏ những cành khô, cành bị sâu bệnh, bổ sung phân bón đợt 2. Đợt 2: Thời gian thực hiện Tháng 11- 12 gồm các nội dung hướng dẫn chăm sóc giai đoạn ra hoa, đậu trái: Hướng dẫn phun xịt thuốc BVTV, chăm sóc giai đoạn ra hoa, đậu trái. 2)Về giải pháp thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân trồng điều: Đây là vấn đề được xem là chủ đạo trong chiến lược phát triển ngành điều. Với thực tiễn trong hơn 20 năm qua, nhiều hộ nông dân canh tác cây điều theo phương pháp quảng canh, không cần chăm sóc nhưng vườn điều vẫn cho thu hoạch và ổn định cuộc sống. Từ đó mà vườn điều ngày càng sâu bệnh và sinh trưởng phát triển kém. Để phát triển ngành điều là ngành sản xuất hàng hóa, cần phải thay đổi được cách nghĩ cách làm. Đây là nội dung lớn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện các giải pháp sau: - Giúp nông dân từng bước hiểu được bài toán kinh tế khi thực hiện đầu tư và không đầu tư cho cây điều có sự khác nhau rất lớn, từ đó thu được hiệu quả rất cao từ tiềm năng về năng suất của cây điều. Cụ thể là năng suất bình quân năm 2015 là 14,6tạ/ha, năm 2017 là 7,15 tạ/ha, năng suất này rất thấp so với năng suất tiềm năng của cây điều có thể đạt đến 5,0 tấn/ha. Việc này cần phải có chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể ở địa phương cùng cơ quan chức năng phối hợp cùng nông dân thực hiện. - Có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế biến điều, từ đó giúp nông dân thay đổi hình thức sản xuất từ nông hộ riêng lẻ sang liên kết sản xuất theo các hình thức như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, cánh đồng lớn, các dự án…tạo ra sản phẩm có nguồn gốc và khối lượng lớn đáp nhu cầu thị trường cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm. - Thúc đẩy liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác để bảo vệ lợi ích cho các hộ tham gia như: lợi ích về thông tin, lợi ích về gia nông sản, lợi ích về nhu cầu vay vốn, lợi ích chuyển giao khoa học ... 3)Về quản lý nhà nước: Đặc điểm phân bố của vườn điều hết sức phức tạp, không được bố trí thành lô thửa rõ ràng, cây trồng phân tán không có trật tự nhất định, có đến trên 64% số hộ trồng điều có quy mô diện tích nhỏ hơn 2,0ha. Vì vậy giải pháp để quản lý tốt nhất là lập hồ sơ quản lý theo hộ gia đình, từ đó tập hợp theo thôn/ấp, theo xã, huyện và tỉnh. Việc lập hồ sơ quản lý theo hộ được thực hiện đồng thời với việc lập quy hoạch phát triển ngành điều, qua đó hồ sơ quản lý theo hộ sẽ thể hiện được những thông tin cơ bản như: Tổng số cây; tuổi cây;loại giống, năng suất bình quân, chế độ chăm sóc... để từ đó: (1) Định hướng thâm canh cho vườn điều đang độ tuổi kinh doanh, có phẩm chất cây, mật độ đồng đều, năng suất tốt; (2) Định hướng tái canh cho vườn điều già cỗi, vườn điều năng suất, phẩm chất kém; (3) Định hướng trồng dặm, tỉa thưa cho các vườn điều chưa phù hợp về mật độ, phẩm chất các loại cây trong cùng một vườn; (4) Định hướng xen canh, đối tượng loại xen canh (ca cao, cà phê, gừng, nghệ ...), chăn nuôi dưới tán, đối tượng chăn nuôi(gà, heo...) cho các vườn điều có đủ điều kiện thực hiện; (5) Định hướng chuyển đổi cho các vườn điều không thể tiếp tục thực hiện tái canh do một số nguyên nhân như: chủ vườn không mặn mà với cây điều, chân đất quá thấp thường xuyên ngập úng, vị trí vườn, chất đất phù hợp cho cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn để cải thiện đời sống cho chủ hộ... 4) Về giải pháp đầu tư: - Trước mắt cần bố trí kinh phí để thực hiện việc rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điều của tỉnh Bình Phước đến 2025 làm cơ sở thực hiện các nội dung, phương án đầu tư chăm sóc vườn điều theo từng khu vực cần thiết được phân loại trong quy hoạch với tổng kinh phí là 1.403.604.970 đồng. - Bố trí kinh phí triển khai thực hiện quy hoạch vùng điều tiêu chuẩn vietGAP trên địa bàn huyện Bù Gia Mập theo chỉ đạo của Tỉnh ủy để thực hiện tốt việc truy nguyên nguồn gốc tạo cơ hội cho việc xuất khẩu nông sản điều sang thị trường thế giới, tổng kinh phí là 1.123.708.534 đồng. - Phân bổ nguồn vốn triển khai thực hiện đề án Phát triển bền vững ngành điều được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 30/06/2016 với 12 hạng mục đầu tư phát triển cho cây điều như: Tái canh điều già cỗi, năng suất thấp; cải tạo giống, trồng dặm; vùng điều năng suất cao bền vững; trồng xen ca cao, chăm nuôi dưới tán điều; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất… với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 là 684.465,10triệu đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh: 50 tỷ đồng; Vốn từ TW hỗ trợ: 101 tỷ đồng; Vốn Doanh nghiệp: 44 tỷ đồng; Vốn vay và nông dân tự có: 488 tỷđồng. 5)Về giải pháp kỹ thuật và tuyên truyền - Hướng dẫn nông dân liên kết theo nhiều hình thức như: tổ hợp tác; HTX; liên minh HTX; cánh đồng lớn và các chương trình dự án khác như sản xuất hữu cơ, sản xuất điều sạch … để ổn định đầu ra, giảm thiểu ép giá - Hướng dẫn nông dân chăm sóc vườn điều trước biến đổi khí hậu theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây điều. - Hướng dẫn nông dân từng bước thay đổi giống điều tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi hộ để thay đổi toàn bộ, 50% hoặc 30% diện tích. - Trồng xen một số loài cây khác nhằm mục đích nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Kế hoạch đến năm 2020 diện tích ca cao xen điều khoảng 5.000ha trên địa bàn các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phước Long, Phú Riềng. - Trên cơ sở các cây điều đầu dòng đã được công nhận năm 2016, sẽ thực hiện phương án quản lý và phát huy tối đa nguồn vật liệu giống này để cung ứng cho nhu cầu giống điều của tỉnh. 6) Về giải pháp chính sách - Tiếp tục đề nghị UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ cánh đầu mẫu lớn của tỉnh theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ cánh đồng mẫu lớn để thu hút các nhà đầu tư đầu tư cho cây điều. - Tiếp tục đề xuất các nội dung thu hút các nhà đầu tư cho cây điều, bước đầu thúc đẩy việc hợp tác với tập đoàn PAN để ký kết chương trình sản xuất điều sạch với quy mô khoảng 10.000ha. - Tiếp tục đề nghị UBND kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét trình Chính phủ ban hành chính sách đặc thù riêng cho cây điều Bình Phước tương tự như cây cà phê của Tây Nguyên và cây thanh long của Bình Thuận.
Tác giả bài viết: Doãn Văn Chiến
Nguồn tin: Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây