Kỹ thuật tạo giống cây ba kích

Thứ tư - 26/09/2018 03:29 586 0
Ba kích (Morinda officinalys) là cây dược liệu quý, có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, chữa thấp khớp… và có giá trị xuất khẩu cao. Việc chọn tạo cây giống ở giai đoạn đầu là rất quan trọng, quyết định năng suất lâu dài của cây và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Dưới đây là kỹ thuật tạo giống cây ba kích.
1. Yêu cầu về điều kiện vườn ươm - Gần nguồn nước sạch đủ tưới quanh năm. Tránh dùng nước ao tù, nước đọng hoặc nơi núi đá kiềm cao. - Mặt bằng vườn ươm tương đối bằng phẳng (không dốc quá 5o), cao ráo thoát nước, tránh úng ngập. Có diện tích đủ lớn để dãn bầu hoặc phân loại cây con. - Tránh đặt vườn ươm nơi thung lũng hẹp thiếu ánh sáng hoặc đỉnh đồi có gió lùa. - Đất vườn ươm có thành phần cơ giới cát pha hay thịt nhẹ, không dùng đất đã qua canh tác cây nông nghiệp nhiều năm, bị bạc màu hoặc đã bị nhiễm sâu bệnh. /uploads/news/2018_09/new-picture-1_12.png Vườn ươm giống cây ba kích 2. Tạo bầu a. Vỏ bầu - Kích thước bầu: 8 x 12cm hoặc 9 x 14cm. Bầu có đáy hoặc cắt góc đáy. - Vỏ bầu PE màu trắng đục hoặc đen, bảo đảm độ bền khi đóng bầu, trong quá trình chăm sóc cây trong vườn cũng như khi vận chuyển để cây không bị hư hỏng. b. Thành phần hỗn hợp ruột bầu - Phân chuồng ủ hoai hoặc phân vi sinh: 20% - Supe lân Lâm Thao: 2% - Đất tầng B, đất pha thịt nhẹ, nơi còn tính chất đất rừng: 78%. c. Kỹ thuật pha trộn đất ruột bầu - Đất tập kết tại vườn ươm, được đập nhỏ và sàng có đường kính nhỏ hơn 4 mm, loại bỏ rễ cây, sỏi đá, rồi vun thành đống cao 15 – 20 cm, sau đó phun ẩm và dùng vải mưa, giấy bóng ủ 4 - 5 ngày ngoài nắng. - Phân chuồng qua ủ hoai (không ủ với vôi) và phân lân, phân vi sinh (vón cục cũng phải đập nhỏ và sàng). - Các thành phần kể trên được định lượng theo tỷ lệ đã quy định và trộn đều trước khi đóng bầu. - Để có độ kết dính khi đóng bầu, đất được tưới nước ẩm nhưng tránh quá ướt kết vón (độ ẩm 75%). d. Xếp bầu trên luống và kỹ thuật đảo bầu - Trang mặt luống cho phẳng, đất nhỏ mịn, sạch cỏ, các bầu xếp sát nhau. - Luống để xếp bầu có quy cách: 1 m2 xếp được khoảng 300 bầu. - Khi kiểm tra phát hiện rễ phát triển ra ngoài đáy bầu phải tiến hành đảo bầu kết hợp phân loại cây để tiện chăm sóc. Chỉ tiến hành đảo bầu vào những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ. 3. Kỹ thuật tạo giống a. Kỹ thuật tạo giống bằng hom - Chọn hom giống: Hom làm giống là những đoạn thân được cắt ra từ thân bánh tẻ dây ba kích, bỏ phần gốc già và phần đoạn non trên ngọn. Để cây giống đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng, chỉ lấy hom của những khóm cây 3 năm tuổi trở lên. - Cắt hom: + Những đoạn dây để cắt hom giống có đường kính tối thiểu từ 3 mm trở lên. Đoạn thân hom cắt dài 12 - 15cm, có 2 - 3 đốt mắt và có 1 - 2 lóng. + Khi cắt hom, tỉa bỏ hết lá nếu có. Hom được bó lại thành từng bó từ 20 - 30 hom, đồng nhất theo chiều gốc - ngọn. Nhúng phần gốc các bó hom vào thuốc kích thích ra rễ đã chuẩn bị sẵn trong thời gian 2 - 3 giờ. + Sau khi xử lý thuốc kích thích ra rễ sẽ cắm hom vào giữa bầu, chiều sâu cắm hom khoảng 1/3 chiều dài hom. Cắm xong tưới nước cho ẩm và làm chặt hom cắm trên bầu. Dùng vòm nylon che kín, hàng ngày tưới phun đều và đủ ẩm. Bên trên che lưới râm để giảm ánh nắng chiếu lên vòm. Chồi sẽ nảy ra từ đốt phía trên của hom. Thời gian nảy chồi và rễ của hom từ 20 - 25 ngày. + Cây giống khi xuất vườn có chiều cao của chồi thứ cấp dài từ 6 - 10cm, có 3 lá trở lên và rễ dài từ 5 - 7cm. Lúc đó chồi và bộ rễ đã tương đối ổn định sẽ chuyển đi trồng. b. Phương pháp tạo cây giống từ hạt - Thu hái hạt giống: + Ba kích ra hoa vào cuối tháng 5 nửa đầu tháng 6, quả chín cuối tháng 11 và chín rộ vào tháng 12. Thu hái quả chín ở những cây 3 năm trở lên, chọn những quả chín đỏ, không nên hái bừa bãi, ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ nảy mầm và chất lượng cây con. + Quả sau khi hái được ủ trong bao tải 1 tuần cho chín thêm rồi cho quả vào rổ, ngâm nước xát bỏ vỏ, lấy hạt và rửa sạch lớp thịt còn bám vào hạt. Phơi hạt trong bóng râm khoảng 5 - 7 ngày rồi mới gieo ươm. + Có thể gieo hạt trong các khay cát, trên luống hoặc trực tiếp vào bầu. - Làm đất: + Đất gieo hạt phải phơi ải kỹ trước khi gieo khoảng 1 tháng. Nhặt hết cỏ, rễ cây cho đất tơi xốp, diệt cỏ dại, chống sâu bệnh để tỉa nhổ cây mạ dễ dàng. Đất đập nhỏ, vun thành luống có chiều rộng 1m, rãnh rộng 30cm, sâu 20cm, cao 15cm. Trước khi gieo, bón lót trên luống bằng phân chuồng ủ hoai hoặc phân vi sinh, tuỳ thuộc vào thực trạng của đất mà tính lượng phân cho phù hợp. Nếu bón sau khi đã lên luống thì dùng sàng để rải đều phân hoai mục trên mặt luống và dùng cào trộn đều trên lớp đất mặt. Sau 1 - 2 ngày mới gieo hạt. + Trên nền luống đã làm sẵn, dùng bay hay cuốc lưỡi nhỏ rạch ngang trên luống. Các rạch cách nhau 10 - 15cm, rộng từ 3 - 5cm, sâu 2 - 2,5cm. Nếu thấy khô thì tưới nhẹ cho đủ ẩm rồi gieo hạt đều trên rạch. Sau đó lấy bột lấp hạt. Gieo xong, tưới nước nhẹ trên luống. Dùng rơm rạ phủ đều trên mặt luống, có thể làm dàn che bằng phên hoặc lưới nylon. + Cũng có thể gieo hạt trực tiếp vào bầu. Chuẩn bị đóng bầu tương tự như làm bầu ươm hom nhưng thành phần ruột bầu là đất ở tầng mặt, nhiều mùn, đập nhỏ trộn với 20% phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh và 2% phân lân (theo khối lượng). Bầu đóng xong, xếp vào luống trên nền đất cứng, vun đất vào hai bên mép luống giữ bầu. Mỗi bầu gieo 1 hạt, dùng que chọc lỗ sâu 2cm thả hạt vào lấp kín đất. Gieo xong tưới nước và che các luống đặt bầu bằng lưới che râm hoặc phên che. + Từ lúc gieo đến khi nảy mầm, trong vòng 1,5 - 2 tháng hạt bắt đầu mọc. + Trường hợp gieo hạt trên luống, khi hạt nảy mầm thành cây có 4 lá thì nhổ cấy vào bầu. Nếu là ở bầu, nhổ tỉa rồi giữ lại 1 cây trong bầu, tuổi xuất vườn của cây con từ 6 - 7 tháng tuổi, cao từ 20 - 25cm. - Chăm sóc cây con: Thời gian đầu sau khi cấy hom, gieo hạt hoặc cấy cây đều phải tưới nước nhẹ 1 lần/ngày. Khi cây đã ổn định, tưới nước 2 - 3 ngày mới tưới 1 lần, những ngày mưa, đất ẩm không phải tưới. Làm cỏ, phá váng thường theo định kỳ 10 - 15 ngày/lần. Dùng bay hay cuốc nhỏ xới nông toàn diện và nhặt hết cỏ. Đối với cây cấy trong bầu dùng thanh tre để xới, tạo cho đất tơi xốp thoáng khí và thoát nước. Khi cây con có 3 cặp lá thì tiến hành bón thúc cho cây. Phân bón có thể tổng hợp nhiều loại gồm 70 - 80% phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh với 20 - 30% phân lân tán nhỏ trộn đều sàng trên mặt luống 1 - 2 kg/m2 rồi tưới rửa nhẹ. 4. Phòng trừ sâu bệnh Giai đoạn cây con ở vườn ươm thường xuất hiện sâu bệnh hại. Khi phát hiện thấy sâu bệnh, nhất là bệnh lở cổ rễ, vàng lá, chết khô héo thì phải nhổ và đốt hết những cây nhiễm bệnh, đồng thời phun thuốc Boóc-đô nồng độ 1% + Ben-lát nồng độ 0,1% với lượng phun 0,1 lít/m2. Giai đoạn làm cỏ, phá váng hay chăm sóc cho cây con tránh làm cây tổn thương vì đây là nhân tố để nấm có cơ hội xâm nhập. Không bón phân tươi chưa ủ hoai vì nó cũng là môi trường thuận lợi cho bệnh xuất hiện trong vườn.
Tác giả bài viết: BBT
Nguồn tin: Đoàn Thanh niên Sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây