Hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Thứ tư - 24/04/2024 04:39 313 0
Ngày 23/4/2024, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền - Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phạm Thụy Luân - Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cùng chủ trì hội nghị.  
Báo cáo tại Hội nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, nguồn nước giếng đào, giếng khoan của các hộ dân đã bị cạn kiệt, không còn nguồn nước để sử dụng. Tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 3.195 hộ. Thống kê có tới 10.171,8 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán đa phần là bị giảm năng suất 30-70% và vẫn đảm bảo duy trì sức sống của cây. Cụ thể 8/11 huyện thị tiếp tục bị ảnh hưởng do hạn hán như: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú, Bình Long, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phú Riềng. Trong đó, huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng là nghiêm trọng hơn so với các huyện khác. Nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm). Các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 05 vụ cháy rừng với tổng diện tích 1,135 ha, các vụ chỉ cháy dưới tán rừng, không ảnh hưởng đến cây gỗ lớn.
Giám đốc Sở NN và PTNT Phạm Thụy Luân báo cáo tại Hội nghị
 Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước, cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán ở cấp 2-3 (Bù Đăng và Bù Gia Mập cấp 3, còn lại là cấp 1-2) và cháy rừng đang ở cấp IV- V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Tình hình nắng nóng tiếp tục duy trì đến nửa đầu tháng 5, sau đó thu hẹp giảm dần về cường độ và chấm dứt.
  Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động triển khai chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tình về công tác phòng chống hạn hán, phòng chống cháy rừng đến UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện về các biện pháp phòng chống hạn hán. Đồng thời đề nghị các huyện, thị xã, thành phố báo cáo định kỳ hàng tuần và xây dựng kịch bản chống hạn của cấp huyện trước ngày 30/4. 
Đối với công tác phòng chống cháy rừng: Luôn chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, khí hậu, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là vào đợt cao điểm mùa hanh khô, để kịp thời triển khai các biện pháp PCCCR. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCCR nhằm nâng cao ý thức, nhận thức về công tác PCCCR cho chủ rừng và người dân. Chủ động trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án phòng cháy và chữa cháy như: dao phát tạo đường băng cản lửa, vỉ dập lửa, cuốc, xẻng, máy bơm chữa cháy, nguồn nước phục vụ chữa cháy,…
        Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị (1) Sở Nông nghiệp và PTNT: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, diễn biến thời tiết, nguồn nước… để có các hướng dẫn chuyên môn phù hợp, hiệu quả; tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định; kịp thời xử lý các tỉnh huống phát sinh, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện. Phối hợp với các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện và các địa phương để xây dựng kế hoạch tưới, điều tiết nước phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao. (2) UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động triển khai các giải pháp chống hạn, xây dựng kịch bản chống hạn cho các vùng, khu vực đã và đang có nguy cơ bị thiếu nước trên địa bàn trong thời gian 15 ngày và 30 ngày nếu không có mưa. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực PCTT & TKCN tỉnh - Sở Nông nghiệp và PTNT, theo dõi cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình hạn hán để có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại của nhân dân. Thực hiện nghiêm công tác báo cáo định kỳ theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT. (3) Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, bảo đảm đời sống cho nhân dân và hỗ trợ triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng./.
Tác giả bài viết: Vũ Lan Phương
Nguồn tin: Chi cục Thủy lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây