Bình Phước: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thứ tư - 27/03/2024 22:53 169 0
Thời gian gần đây, Bình Phước đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình dưa lưới do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng (Bình Phước) phối hợp với Ban CHQS huyện, Huyện đoàn Phú Riềng thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình được ứng dụng khoa học kỹ thuật và trồng trong nhà lưới khép kín với diện tích hơn 1.000m2. Mô hình sử dụng giống mới từ khi trồng đến thu hoạch dự kiến khoảng 65 ngày, được sử dụng hệ thống tưới nước tự động, tiên tiến kết hợp bón phân qua nước nên rất tiết kiệm nước, phân bón, phòng, chống sâu bệnh hiệu quả, đem lại năng suất cao. Mô hình đã được tuyên truyền, phổ biến nhân rộng cho đoàn viên, thanh niên, nông dân khởi nghiệp, lập nghiệp với mô hình dưa lưới trên địa bàn.
Mô hình trồng dưa lưới tại huyện Phú Riềng.
Sầu riêng là cây thế mạnh của Bình Phước nhưng trước đây, nhiều thời điểm, nông dân luôn bị tiểu thương ép giá. Khắc phục vấn đề này, ngành nông nghiệp Bình Phước đã hướng dẫn Hợp tác xã sầu riêng Long Bình (huyện Phú Riềng) triển khai gắn mã QR trên mỗi cây sầu riêng.
Nhờ vậy, khách hàng chỉ cần đưa điện thoại thông minh vào quét mã, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch. Cách làm này đã giúp sầu riêng của hợp tác xã luôn có đầu ra ổn định, xuất khẩu giá tốt không sợ thương lái ép giá.
Hợp tác xã cũng đã chủ động số hóa vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 72ha. Hợp tác xã cũng đẩy mạnh ứng dụng máy móc, công nghệ, đưa năng suất 1ha sầu riêng đạt từ 8-20 tấn, tăng lợi nhuận, thu nhập cho người nông dân.
Để xuất khẩu sầu riêng lâu dài, bền vững, tránh rủi ro, Bình Phước đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này và tích cực hướng dẫn các hợp tác xã, người nông dân trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP nghiêm ngặt, tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu, các điều kiện kiểm dịch… Trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân Bình Phước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa trong nông nghiệp, Bình Phước đã phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp các địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản.
Các đơn vị cũng triển khai thêm phần mềm dự báo thời tiết cài đặt trên điện thoại thông minh, giúp nông dân dự báo từ sớm, từ xa tình hình thời tiết, hỗ trợ việc bón phân, phun thuốc. Địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sàn thương mại điện tử để bán hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Hiện, Bình Phước có hơn 54.500 tổ chức, cá nhân có tài khoản mua, bán trên sàn thương mại điện tử với hơn 1.000 sản phẩm. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nông dân có kinh nghiệm cũng tích cực sử dụng mạng xã hội để hướng dẫn cách sản xuất, ứng dụng công nghệ cho các nông dân còn hạn chế, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường, tiếp cận nhanh với khách hàng.
Trao đổi kinh nghiệm trồng dưa lưới để khởi nghiệp.
Trồng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cho năng suất cao tại Bình Phước.
Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực chuyển đổi số, từ việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành, phủ sóng mạng internet, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Bình Phước cũng có các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết hình thành các chuỗi sản xuất, vùng nông nghiệp công nghệ cao, số hóa vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững./.
Tác giả bài viết: Lê Bảo
Nguồn tin: baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây