HTX nông nghiệp ở Bình Phước chuyển đổi số toàn diện để sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Thứ ba - 11/06/2024 04:27 153 0
Tuy áp dụng chuyển đổi số chưa nhiều, chưa toàn diện nhưng các HTX nông nghiệp ở Bình Phước đang mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Mở rộng thị trường cho mít ruột đỏ
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Bù Đốp đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái nhằm tìm kiếm hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng mít ruột đỏ của HTX TM-DV Phước Thiện là một trong những mô hình tiêu biểu.
Ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc HTX cho biết, mít ruột đó có múi mít dày, vị ngọt thanh, và có màu đỏ bắt mắt. Giống mít này lại dễ trồng, kháng bệnh tốt, năng suất cao.
Từ năm 2015, ông quyết định mua gần 100 cây giống về trồng thử nghiệm. Hiện tại, vườn mít rộng hàng chục ha của HTX được quy hoạch bài bản, từ hệ thống ủ phân hữu cơ, tưới tự động, xe cơ giới cho đến khu vực sơ chế mít.
Vườn mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện
Theo ông Vị, 1ha đất trồng khoảng 270 cây. Một cây mít trưởng thành có thể cho 15-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu giá mít ổn định từ 40.000-60.000 đồng/kg, mỗi ha có thể đem lại thu nhập hàng tỷ đồng.
Tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, HTX đã cho xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mít như mít tươi hút chân không, mít sấy lạnh với công suất khoảng 100 tấn múi/tháng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh, mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện cũng có mã số vùng, trồng đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Với tổng diện tích liên kết sản xuất hơn 800ha, HTX Phước Thiện là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến sản phẩm, hướng đến quy trình khép.
Đây cũng là một trong 2 HTX thụ hưởng chương trình chuyển đổi số của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2025. Theo đó, HTX Phước Thiện được hỗ trợ lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động, camera giám sát thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc. HTX Phước Thiện còn được hỗ trợ phần mềm trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mít ruột đỏ được đưa vào chế biến
Hiện tại, HTX đã liên kết với 150 hộ nông dân trồng trên 1.000ha cây mít ruột đỏ. HTX đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên 3.000ha chuyên canh để tạo vùng nông sản, đáp ứng nhu cầu nhà máy và hướng đến xuất khẩu.
"Để tiếp tục mở rộng thị trường, HTX đang tích cực ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử", ông Vị chia sẻ.
Bán dược liệu trên sàn điện tử
Cũng tại huyện biên giới Bù Đốp, HTX Nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước đang tích cực bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Thị Tiên - Giám đốc HTX PN Bình Phước kể, từ lâu, chị đã mong muốn được học ngành công nghệ sinh học, và tìm kiếm hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học loại ưu, chị Tiên quyết định chọn đông trùng hạ thảo để khởi nghiệp.
Sản phẩm của HTX Nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước
Theo chị Tiên, đông trùng hạ thảo là dược liệu quý, phôi giống gốc buộc phải nhập khẩu với thành rất đắc. Loài nấm này thường sống vùng cao nguyên lạnh giá trong khi Bình Phước có khí hậu khá nóng. Trong quá trình nuôi, không ít lần nấm chết hàng loạt.
Mạnh dạn thử nghiệm công nghệ mới, chị chia sẻ, các công đoạn cấy giống, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng bắt buộc phải đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị tự động để giảm tác động của con người và thời tiết.
Sau khi sản xuất thành công, chị tiếp tục nỗ lực giảm chi phí giá thành để hạ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hầu hết giá các sản phẩm HTX có giá khá mềm, dao động 300.000-500.000 đồng/ hộp (với 10g nấm đã sấy thăng hoa).
HTX PN Bình Phước cũng đang đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ sản phẩm. Mọi quá trình sản xuất đều được chị sử dụng camera ghi lại và đưa dữ liệu lên các sàn thương mại điện tử. Chị còn kết hợp hình thức livestream để giới thiệu sản phẩm của mình.
"Hiện 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ. 20% còn lại cung ứng cho các nhà yến để sản xuất yến đông trùng hạ thảo. HTX đang xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing phát triển thương hiệu" chị Tiên cho biết.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, Bình Phước đã cấp 19 mã vùng trồng các loại cây ăn trái với diện tích gần 2.000ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm. Nhiều sản phẩm của tỉnh được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao; và nhiều hộ nông dân được hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phạm Thụy Luân cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của Bình Phước vẫn chưa toàn diện.
Các mô hình chuyển đổi số vẫn còn ít, chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định như sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điều này có nguyên nhân từ việc ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân còn thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế.
Vừa qua, Bình Phước đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào nông nghiệp hiện đại, thông minh.
Chuyển đổi số nông nghiệp giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, hạn chế khâu trung gian. "Nếu biết cách khai thác hiệu quả, chuyển đổi số sẽ mang đến những giá trị mới bền vững cho sản xuất nông nghiệp", ông Luân chia sẻ.
Tác giả bài viết: Lê Bảo
Nguồn tin: (Tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây